LS Thanh Hương

Thời gian thử việc với lao động phổ thông là bao lâu?

Việt Nam là nước có cơ cấu dân số trẻ với số người nằm trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ lớn. Do vậy, nhu cầu tìm việc của đối tượng này là rất lớn. Để giải quyết việc làm cho số lượng lao động lớn, đặc biệt là lao động phổ thông luôn là vấn đề nóng trong xã hội. Điều này kéo theo các quy định pháp luật phải phù hợp và đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

1. Thời gian thử việc là gì?

Thử việc là khái niệm được sử dụng trong thị trường lao động, theo đó trước khi người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với một người lao động thì người sử dụng lao động thường yêu cầu người lao động thực hiện công việc tại vị trí công việc mà mình đang tuyển dụng trong một thời hạn nhất định. Sau khi hết thời hạn này nếu người sử dụng lao động đánh giá người lao động có thể thực hiện được công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động thì các bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng lao động. Thời gian người lao động làm thử công việc và người sử dụng đánh giá kết quả làm thử đó có đạt hay không để tiến tới ký kết hợp đồng lao động chính thức được gọi là thời gian thử việc.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thử việc có thể được giao kết thành hợp đồng riêng hoặc được ghi nhận trong hợp đồng lao động chính thức.

Về cơ bản hợp đồng thử việc bao gồm các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ, thông tin của người sử dụng lao động;

- Tên, địa chỉ, thông tin của người lao động;

- Thời gian thử việc;

- Công việc phải thực hiện trong thời gian thử việc;

- Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;

- Địa điểm làm việc;

- Mức lương trong thời gian thử việc;

- Yêu cầu đối với việc thực hiện công việc;

- Ngoài ra còn có thể có các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên.

Theo quy định tại Bộ luật lao động 2019 thời gian thử việc được quy định như sau:

- Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

2. Lao động phổ thông là gì?

Lao động phổ thông chỉ những người lao động không qua đào tạo, chưa có kinh nghiệm lao động gì đặc biệt. Lao động phổ thông thường là những người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở xuống nhưng lại là lao động trẻ, có sức khỏe, năng động, dễ tiếp thu học hỏi kiến thức. Do đó, lao động phổ thông ở Việt Nam là nguồn lực được các nước phát triển chú ý.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thị trường việc làm đầy cạnh tranh, những người có bằng cấp vẫn có thể làm những công việc không đúng với kỹ năng chuyên môn đã được đào tạo. Hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động của đối tượng này cũng có nhiều sự khác biệt, phù hợp với tính chất công việc và trình độ của người lao động. Theo đó, khi lao động phổ thông tham gia vào quan hệ lao động, họ nên chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về hợp đồng thử việc cũng như các nghĩa vụ, quyền lợi mà mình được hưởng trong thời gian thử việc.

3. Giải quyết tình huống về thời gian thử việc của người lao động phổ thông

Câu hỏi:

Em hỏi, theo luật lao động thì thời gian thử việc 30 ngày đối với trình độ trung cấp, nghề công nhận nghiệp vụ, kỹ thuật và 6 ngày đối với những công việc khác. Vậy cho em hỏi công việc khác cụ thể là công việc gì? Vì công nhân bên em toàn trình độ 9/12,12/12...nhưng làm các công việc như đứng máy, kiểm hàng, phun sơn...thì không thể thử việc 6 ngày được còn 30 ngày thì không đúng luật. Trong thời gian 30 ngày bên em cho công nhận vừa học vừa làm thì có được coi là cổng nhân kỹ thuật không. Em cám ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng luựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Tại Điều 25 Bộ luật lao động 2019 có quy định về Thời gian thử việc như sau:

“Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Theo quy định trên thì tương ứng với mỗi loại công việc và trình độ chuyên môn của người lao động mà có thể được áp dụng thời hạn thử việc khác nhau. Trong đó thời hạn thử việc 30 ngày được áp dụng với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ, còn thời gian thử việc 06 ngày được áp dụng với những công việc khác không cần đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ hoặc trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Hiện nay, trong Bộ luật lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể “những công việc khác” là gì nhưng theo điều 25 của luật này, có thể hiểu những công việc khác là những việc loại trừ công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên và công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

Ngoài ra, hiện nay trong các quy định của pháp luật lao động cũng không có quy định ghi nhận việc công nhân trong thời gian vừa học vừa làm thì được coi là công nhân kỹ thuật, do đó trường hợp của bạn cũng không thể xác định ngay những công nhân này là công nhân kỹ thuật.

Đối với việc xác định thời gian thử việc với công việc cụ thể bạn có thể căn cứ vào tính chất công việc, vị trí công việc… để xác định thời gian thử việc phù hợp theo quy định.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn