Luật sư Phùng Gái

Thời gian tạm giam đối với hành vi cố ý gây thương tích cho người khác?

Em trân trọng kính chào quý luật sư! Em có hai đứa cháu (hai chị em) có xô xát với ông chồng (chồng của bà chị) gây cho ông chồng bị thương tích khoảng 30%. Lý do gây thương tích là như sau: gia đình nghèo khó nên vợ đi làm xa, ông chồng ở nhà bồ bịch trăng hoa đến mức có con riêng.

 

Sau đó đã giải quyết nội bộ gia đình hai bên, nhưng sau đó ông chồng đêm ngày say xịn, cứ mỗi lần say là khóc lóc năn nỉ vợ cho được rước bồ về nhà làm vợ hai. Vợ không chịu nên ông chông tự nguyện bỏ về nhà mẹ đẻ trong 3 tháng. Trong thời gian về nhà mẹ đẻ ông chồng cứ hay điện thoại cho vợ rồi chửi rủa, chính vì lý do đó trong thời gian gần đây, khi ông chồng lại về nhà chửi rủa và đánh đập vợ thì bị vợ và em trai dùng mã tấu chém ông chồng thương tích khoảng 30 phần trăm (thấy ông chồng đang đánh vợ là chị mình nên em trai của vợ đã lao vào đánh người chồng)

 Sau đó công an đã lấy lời khai, đã làm rõ vụ việc, đã lập hồ sơ. Sau khi vụ việc đã được điều tra rõ ràng thì hiện tại công an đang bắt tạm giam hai đứa cháu của em. Em muốn hỏi:

 

1. Quá trình điều tra đã được làm rõ thì theo điều khoản nào được bắt tạm giam hai đứa cháu của em? Đối với tội hai cháu của em đã gây ra thì phải tạm giam trong bao lâu thì mới đưa lên tòa giải quyết trong khi vụ việc đã rất rõ ràng hồ sơ cũng đã hoàn tất?

 

2. Nếu có bị vào tù thì hai cháu của em phải vào tù khoảng bao lâu? Có được giảm nhẹ tội không?

 

3. Đối với ông chồng của cháu em (người bị hại) thì có luật nào để xử lý tội ngoại tình và làm nhà tan của nát không? 4. Đối với con bồ của người chồng thì có luật nào xử phạt tội ngoại tình và phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác không?   Em cảm ơn!

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về thời hạn tạm giam

 

Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giam để điều tra như sau:

 

“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 

2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

 

Việc gia hạn tạm giam được quy định nh¬ư sau:

 

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

 

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

 

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

 

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

…”

 

DO em bạn gây thương tích cho người khác với tỷ lệ khoản 30% và sử dụng hung khí nguy hiểm (mã tấu) do đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 ĐIều 134 thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng. Thời hạn tạm giam đối với tội phạm nghiêm trọng là tối đa 05 tháng.

 

Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về Tạm giam như sau:

 

“1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

 

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

 

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

 

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

 

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

 

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

…”

 

Như vậy, khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều này thì cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm giam để tiến hành điều tra.

 

Thứ hai, về hình phạt và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

 

Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác như sau:

 

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

 

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

 

d) Tái phạm nguy hiểm;

 

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

…”

 

Như vậy, theo như thông tin bạn cung cấp thì hai đối tượng trên đã có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác với tỉ lệ thương tích là 30% và có dùng hung khí (dao, mã tấu để thực hiện…) nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 134 với hình phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.

 

Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) để xác định các tình tiết giảm nhẹ cho người thân của mình.

 

Thứ ba, về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân

 

Điều 35 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 65/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:

 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

 

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

 

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

 

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

…”

 

Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

 

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

 

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

 

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”

 

Như vậy, nếu trong trường hợp này hai người họ có hành vi chung sống như vợ chồng thì người vợ trong trường hợp này có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết căn cứ theo các quy định đã nêu trên.

 

Trân trọng!

CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo