Thời gian nâng lương thường xuyên là khi nào?
Theo thông tư 08/2013 em thấy có ghi: "- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;"
Như vậy em hiểu là chỉ cần sau thời gian 3 năm giữ bậc lương trong ngạch (với hệ số 2,34) thì em sẽ được nâng lương. Nghĩa là sau 3 năm từ ngày 01/03/20xx em sẽ được nâng lương, đồng nghĩa với việc hợp đồng của em không có hợp lý. Em có hỏi trưởng phòng Tổ chức cán bộ thì được giải thích là việc nâng lương do sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động và không tính thời gian 1 năm làm việc của em (01/03/20xx-01/03/20xx) vào thời gian nâng lương. Vậy xin hỏi luật sư, giải thích như vậy có đúng không? Em xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Theo thông tin được cung cấp, bạn không nói rõ mình là công chức, viên chức hay người lao động đang làm việc tại đơn vị này nên chúng tôi rất khó xác định cho trường hợp của bạn. Tuy nhiên, có xác định về hợp đồng thì đối tượng của bạn chỉ là viên chức theo quy định về hợp đồng làm việc hoặc người lao động nhưng tỷ lệ là người lao động vì có hợp đồng xác định thời hạn 1 năm.
Nếu bạn là viên chức hoặc là người lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì bạn thuộc đối tượng điều chỉnh theo Thông tư 08/2013/TT-BNV:
Theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV có quy định về chế độ nâng lương được áp dụng với các đối tượng sau:
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã) và trong các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
- Cán bộ trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
- Công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát);
- Cán bộ cấp xã quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 và công chức cấp xã quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (sau đây gọi là Nghị định số 92/2009/NĐ-CP).
...
c) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.
Theo đó, nếu thuộc đối tượng điều chỉnh tại Thông tư 08/2013/TT-BNV thì việc xét nâng bậc lương thường xuyên của bạn được thực hiện theo quy định tại Thông tư này:
Điều 2. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:
1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh:
a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên:
- Đối với chức danh chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương;
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương;
- Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Như vậy, theo quy định trên thì thời gian tính để xét nâng bậc lương thường xuyên của bạn là đủ 36 tháng. Do vậy, ngay khi ký hợp đồng với đơn vị, bạn đang là viên chức, hoặc là người lao động nhưng thực hiện xếp lương theo theo bảng lương do Nhà nước quy định thì đơn vị phải thực hiện tính thời điểm xét nâng bậc lương thường xuyên của bạn từ khi ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đầu tiên, tức là ngày 01/03/2017.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bạn là người lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập và hưởng mức lương theo thỏa thuận giữa hai bên, thì bạn sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 08/2013/TT-BNV mà thời điểm xét nâng lương thường xuyên sẽ thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Để đảm bảo quyền lợi của mình không bị xâm phạm, bạn có thể yêu cầu đơn vị trả lời rõ ràng về loại hình hợp đồng cũng như cách thức tính lương, xếp lương của bạn. Nếu cần thiết, bạn có thể khiếu nại lên Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập đang công tác.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất