Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thời gian công tác được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

Thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến mức hưởng trợ cấp của hầu hết các chế độ Bảo hiểm xã hội mà pháp luật quy định. Do đó, đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội.

1. Tư vấn: Thời gian công tác được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội

Câu hỏi tư vấn: Chào văn phòng luật Minh Gia, cho tôi hỏi về thời gian làm việc hưởng BHXH như sau: Hiện nay tôi và một số đồng nghiệp là công nhân trong doanh nghiệp Nhà nước sắp đến tuổi nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Chúng tôi còn một số vướng mắc trong quá trình cơ quan Bảo hiểm xã hội ghi nhận thời gian công tác và lập sổ Bảo hiểm xã hội như sau:
Trước năm 1990, một số cán bộ chủ chốt của xã đang đảm đương nhiệm vụ thì được tuyển vào làm việc trong doanh nghiệp, họ công tác liên tục từ lúc làm cán bộ xã đến nay không gián đoạn thời gian công tác, vậy thì thời gian công tác ở địa phương của những cán bộ đó có được tính là thời gian công tác được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội không? Trong trường hợp của bạn tôi có 2 năm công tác ở xã giữ những chức vụ là Bí thư Đoàn và Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã rồi mới chuyển ra xí nghiệp thì có được tính thêm 2 năm đó vào chế độ Bảo hiểm xã hội không?

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

Căn cứ tại theo điểm a Khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về tính thời gian công tác trước 1/1/1995 để hưởng BHXH như sau: 

“Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội 

1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;”

Như vậy, nếu người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến trước ngày 1/1/1995 mà chưa hưởng bất kỳ loại trợ cấp một lần nào thì thời gian đó được tính là thời gian đóng BHXH.

Nếu người lao động không công tác liên tục hoặc nghỉ việc trước ngày 1/1/1995 thì việc tính thời gian công tác sẽ được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây để tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể tại Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.”

Trước ngày 01/01/1995 có Thông tư 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân viên chức Nhà nước. Cụ thể với vấn đề mà bạn yêu cầu thuộc trường hợp tính thời gian công tác nửa thoát ly theo Điều 15 Thông tư như sau:

“Thời gian công tác nửa thoát ly ở xã, chưa tách khỏi kinh tế gia đình thì nói chung không được tính là thời gian công tác, trừ những trường hợp cụ thể quy định sau đây:

a. Công nhân, viên chức có thời gian giữ những chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thư ký hay Uỷ viên thường trực Uỷ ban hành chính xã, Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ Đảng uỷ xã, Đảng uỷ viên thường trực (Bí thư, Phó Bí thư, Thường vụ chi uỷ xã, Chi uỷ viên thường trực phụ trách văn phòng Chi bộ xã ở những xã chưa tổ chức thành Đảng uỷ), xã đội trưởng, xã đội phó, chính trị viên xã đội, chính trị viên phó xã đội (nếu có) tuy không thoát ly kinh tế gia đình nhưng đã thực sự công tác, tiếp theo đó được điều động lên làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hay vào bộ đội, thì thời gian giữ các chức vụ trên được tính là thời gian công tác liên tục. Nếu trong thời gian giữ những chức vụ trên có bị gián đoạn một thời gian ngắn (có lý do chính đáng) sau lại tiếp tục giữ những chức vụ đó hoặc được đi công tác thoát lý thì cần phải xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

b. Công nhân, viên chức có thời gian giữ những chức vụ uỷ viên uỷ ban hành chính xã, đảng uỷ viên xã (chi uỷ viên chi bộ xã ở những xã không tổ chức thành Đảng uỷ), trưởng, phó các ngành, các giới ở xã, giao thông viên xã, du kích xã, thì thời gian giữ các chức vụ trên được tính là thời gian công tác nói chung.

Riêng du kích đã thoát ly, tập trung lên huyện, do huyện cung cấp sinh hoạt phí và chịu sự điều động của huyện (như bộ đội địa phương) tiếp theo đó được bổ sung vào bộ đội chính quy hay được tuyển vào cơ quan xí nghiệp Nhà nước, thì thời gian công tác liên tục được tính kể từ ngày thoát ly, tập trung lên huyện. 

c. Cán bộ xã đang giữ những chức vụ nói ở đoạn a trên được đi học chuyên môn, kỹ thuật, chính trị, văn hoá..., sau đó được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian công tác liên tục được tính kể từ ngày giữ những chức vụ đó. 

d. Cán bộ xã đang giữ những chức vụ nói ở đoạn b, trên được đi học chuyên môn kỹ thuật, chính trị, văn hoá..., sau đó được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước thì thời gian công tác liên tục được tính kể từ ngày được tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp; thời gian công tác làm công tác nửa thoát ly ở xã trước khi đi học được tính là thời gian công tác nói chung như đã quy định ở đoạn b, thời gian đi học không được tính là thời gian công tác.” 

Từ những quy định trên có thể xác định: 

- Thứ nhất, các cán bộ chủ chốt của xã theo quy định tại Điều 15 Thông tư trên mà chuyển vào làm việc trong doanh nghiệp thì được tính thời gian công tác liên tục để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội

- Thứ hai, với trường hợp của người bạn, khi công tác ở phường không giữ những chức vụ quy định tại Điều 15 Thông tư trên nên sẽ không được tính 2 năm công tác tại phường vào thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

2. Tư vấn: Gộp sổ bảo hiểm xã hội quy định thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Anh/ chị ơi cho em hỏi, ngày trước em có làm và tham gia đóng BHXH ở 1 công ty đc 5 năm. Nhưng do em  bỏ việc không viết đơn nên công ty đó ko trả số BHXH cho em. Khi chuyển đến công ty khác làm và em cũng tham gia và đc công ty đóng BHXH. Nhưng theo em được biết mọi người khi tham gia đóng BHXH chỉ đc cấp 1 sổ BHXH. Vậy anh/chị cho em hỏi những năm em đóng BHXH ở công ty trước có còn hiệu lực không và khi công ty mới đóng BHXH cho em có đóng tiếp vào thời gian em tham gia BHXH ở công ty trước ko? Rất mong được sự tư vấn của anh. chị. Em cảm ơn nhiều. 

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề mà bạn quan tâm, Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Theo thông tin chị cung cấp, thời gian trước, chị đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở công ty cũ được 5 năm. Sau đó, chị tự ý nghỉ việc và chuyển đến làm việc ở công ty khác và chị đang đóng BHXH ở công ty này. Chị băn khoăn liệu thời gian đóng BHXH ở công ty cũ có được cộng dồn vào thời gian chị đóng BHXH ở công ty hiện tại hay không?

Tại Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian đóng BHXH như sau: 

“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, về nguyên tắc, khi giải quyết các chế độ BHXH, thời gian đóng BHXH của chị ở công ty cũ được bảo lưu và cộng dồn với thời gian đóng BHXH ở công ty hiện tại. Tuy nhiên, thời gian đóng BHXH của chị ở hai công ty là không liên tục. Do đó, khi kê khai, đăng ký tham gia BHXH ở công ty hiện tại, nếu chị không kê khai thời gian tham gia BHXH trước đó (ở công ty cũ) thì trong sổ BHXH chỉ tạm thời ghi nhận thời gian đóng BHXH của chị ở cty hiện tại. 

Để chắc chắn, chị có thể tra cứu quá trình đóng BHXH của bản thân tại Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong trường hợp thời gian đóng BHXH trước đây chưa được cộng dồn với thời gian đóng BHXH hiện tại thì chị cần gộp thời gian đóng BHXH theo quy định. Theo quy định tại Điều 27 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH, chị cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những tài liệu sau:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Các sổ BHXH đề nghị gộp (nếu có)

Sau khi hoàn tất, chị nộp lại cho phía công ty để công ty thực hiện thủ tục tại cơ quan BHXH. Vì vậy, chị nên trao đổi trước với phía công ty về vấn đề của mình để được hỗ trợ giải quyết. 

Trân trọng!

P.Tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169