Triệu Lan Thảo

Thỏa thuận chia đất đai giữa các thành viên trong gia đình

Bà tôi có một nhà đất hiện mang tên bà, nhưng sẽ để lại cho 3 người con trai. Bố tôi người con trai thứ 2, hiện cũng có 1 ngôi nhà. Theo ý nguyện của cả gia đình gồm 3 người con trai và bà là: đồng ý đổi nhà bà với nhà bố tôi để bố tôi xây dựng nhà mới trên đất của bà. Với điều kiện bố tôi phải mua phần được chia của người con trai cả. Và người con trai thứ 3 sẽ được ở nhà của bố tôi bây cùng với 1/3 đất ở trên đó, tức là người con trai thứ 3 sẽ được ở mà không được bán.

Theo ý kiến của gia đình tôi thì muốn viết 1 văn bản thỏa thuận. Nội dung gồm đất mang tên bà sẽ được chia cho 3 người con. Người con thứ nhất bán cho người con thứ 2. Người con thứ 3 đổi phần của mình với quyền được ở nhà và 1/3 đất hiện của người con thứ 2. Sau đó sẽ làm giấy tớ tặng cho nhau: bố tôi tặng cho bà và bà tôi tặng cho bố tôi để sang tên bìa đỏ. Sau khi sang tên bìa đỏ thì người con trai cả không còn tài sản gì nữa.Vậy gia đình tôi làm như vậy có đúng thủ tục chưa? nếu sai xin luật sư bầy cách cho gia đình tôi làm đúng thủ tục và nguyện vọng với ạ. xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn có nhu cầu chia tài sản là đất đai cho các thành viên trong nhà, theo đó mảnh đất của bà bạn sẽ được chia cho 3 người con trai và sau đó có sự thỏa thuận và mọi người đều thống nhất với thỏa thuận đó. Đồng thời, gia đình bạn muốn thành lập một văn bản ghi nhận đầy đủ các thỏa thuận trên, điều này là hoàn toàn hợp lý.

Trường hợp của bạn cần phải xác định rõ việc thỏa thuận giữa  hai bên là trao đổi tài sản hay tặng cho tài sản cho nhau thì chúng tôi mới có thể tư vấn được cụ thể cho bạn.

Giả sử, bố và bà bạn muốn trao đổi nhà với nhau thì căn cứ theo quy định tại Điều 455 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"1. Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

2. Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.

….”

Do đó, việc trao đổi nhà giữa bố và bà bạn cần phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.

Ngược lại, nếu hai bên có thỏa thuận về hợp đồng tặng cho tài sản thì hợp đồng tặng cho nhà cũng cần phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại Điều 459 Bộ luật dân sự 2015.

Vì thế, để việc phân chia quyền tài sản được pháp luật chấp thuận thì cần có sự thống nhất trong thỏa thuận và thực tế thực hiện. Gia đình bạn có thể thỏa thuận luôn  việc tặng cho tài sản và cả việc chuyển giao tiền giữa bố bạn và người con cả, người con thứ 3 được ở nhà và 1/3 đất của bà….Như vậy, khi có tranh chấp xảy ra thì có thể dựa vào giấy thỏa thuận đã có xác nhận theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169