LS Vy Huyền

Thay đổi diện tích ô văng trong xây dựng nhà ở

Xin chào Quý luật gia. Xin tư vấn cho tôi về luật xây dựng với. Nội dung xin tư vấn: Hiện tại gia đình tôi đang sinh sống tại thành phố Bắc Giang. Gia đình được cấp một lô đất rộng 70m2 trong ngách.

 

Chiều rộng mặt đường trong ngách là 7,5m (tính từ phần đất bên cửa nhà tôi sang cửa nhà đối diện).Tôi đã xin phép và được cấp phép xây dựng với 2 tầng và 1 tum. Vấn đề tôi muốn được tư vấn là "với vị trí đất như nhà tôi thì khi xây dựng sẽ được làm sàn ô văng là bao nhiêu cm (trong cấp phép gia đình tôi chỉ được xây dựng ô văng 60cm). Vì ô văng nhỏ quá nên gia đình tôi muốn xây dựng ô văng thành 90cm hoặc 1,05m. Nếu gia đình xây dựng như vậy có phạm luật gì không (tôi nghe nói luật 2016 cho phép trong ngõ, ngách nếu mặt đường là 5m thì được phép làm văng 1,2m).Rất mong Quý Luật gia tư vấn. Nếu có thông tư hay điều luật gì liên quan xin Quý Luật gia cho tôi xin mẫu nhé. Cảm ơn Quý Luật gia.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Ô văng là cấu kiện đặt phía trên của lanh tô cửa sổ, nhô ra khỏi mặt tường với một khoảng cách nhất định,có tác dụng che nắng, mưa cho ô cửa sổ. Việc xây dựng chiều rộng của ô văng phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 2.8.10 quyết định 04/2008/QĐ-BXD về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng:

 

2.8.10. Phần nhà được phép nhô quá chỉ giới đường đỏ trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ

 

Các quy định này cần được vận dụng phù hợp với giải pháp tổ chức không gian cụ thể của từng khu vực và thể hiện trong quy định về quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch của từng khu vực cụ thể và phải tuân thủ các quy định sau đây:

 

1) Các bộ phận cố định của nhà:

 

- Trong khoảng không từ mặt vỉa hè lên tới độ cao 3,5m, mọi bộ phận của nhà đều không được nhô quá chỉ giới đường đỏ, trừ các trường hợp dưới đây:

 

+ Đường ống đứng thoát nước mưa ở mặt ngoài nhà: được phép vượt qua đường đỏ không quá 0,2m và phải đảm bảo mỹ quan;

 

+ Từ độ cao 1m (tính từ mặt vỉa hè) trở lên, các bậu cửa, gờ chỉ, bộ phận trang trí được phép vượt đường đỏ không quá 0,2m.

 

- Trong khoảng không từ độ cao 3,5m (so với mặt vỉa hè) trở lên, các bộ phận cố định của nhà (ô-văng, sê-nô, ban công, mái đua..., nhưng không áp dụng đối với mái đón, mái hè) được vượt quá chỉ giới đường đỏ theo những Điều kiện sau:

 

+ Độ vươn ra (đo từ chỉ giới đường đỏ tới mép ngoài cùng của phần nhô ra), tùy thuộc chiều rộng lộ giới, không được lớn hơn giới hạn được quy định ở bảng 2.9, đồng thời phải nhỏ hơn chiều rộng vỉa hè ít nhất 1,0m, phải đảm bảo các quy định về an toàn lưới điện và tuân thủ quy định về quản lý xây dựng áp dụng cụ thể cho khu vực;

 

+ Vị trí độ cao và độ vươn ra cụ thể của ban công phải thống nhất hoặc tạo được nhịp điệu trong hình thức công trình kiến trúc, tạo được không gian kiến trúc cảnh quan trong từng cụm nhà cũng như trong tổng thể toàn khu vực;

 

+ Trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng.

 

Bảng 2.9: Độ vươn ra tối đa của ban công, mái đua, ô-văng

 

Chiều rộng lộ giới (m)

Độ vươn ra tối đa Amax (m)

Dưới 7m

0

7¸12

0,9

>12¸15

1,2

>15

1,4

 

Theo quy định trên thì độ vươn ra tối đa của ô văng sẽ phụ thuộc vào chiều rộng lộ giới. Theo đó, nếu chiều rộng mặt đường trong ngách của gia đình bạn là 7,5m thì bạn có thể xây dựng ô văng vươn ra ngoài tối đa không quá 0.9m.

 

Như vậy, nếu gia đình bạn có nhu cầu xây dựng phần ô văng rộng hơn so với giấy phép xây dựng thì bạn phải làm thủ tục gửi hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng theo quy định tại điều 98 luật xây dựng 2014 . Nếu cơ quan cấp phép xây dựng đồng ý cho phép gia đình bạn được sửa đổi phần ô văng thì bạn có thể xây dựng thêm nhưng không vượt quá 0.9 m theo quy định của pháp luật. Cụ thể, điều 98 luật xây dựng quy định:

 

Điều 98. Điều chỉnh giấy phép xây dựng

 

1. Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng:

 

a) Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

 

b) Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;

 

c) Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

 

2. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng gồm:

 

a) Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng;

 

b) Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;

 

c) Bản vẽ thiết kế liên quan đến phần điều chỉnh so với thiết kế đã được cấp giấy phép xây dựng;

 

d) Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo