Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thủ tục hưởng BHXH khi thay đổi CMND/căn cước thế nào?

Xin Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc dùm tôi. Tôi là giáo viên tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của tôi là 2 năm 9 tháng. Đóng từ năm 2015 - 2018. Trong đó có 1 năm thử việc mức lương bình quân là 1.86 ( tức là 12 tháng). Còn 1 năm 9 ( tức là 21 tháng) mức lương là 2.34. Vậy cho hỏi nếu tôi muốn nhận bảo hiểm xã hội 1 lần là bao nhiêu. Và xin hỏi thêm nếu như số CMND lúc đăng kí và nhận khác nhau có được nhận bảo hiểm không lí do thay đổi nơi cư trú . Cảm ơn nhiều.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, liên quan đến bảo hiểm xã hội 1 lần:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là giáo viên, nếu bạn có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì cách tính bảo hiểm xã hội một lần như sau: 

Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định bảo hiểm xã hội một lần:

"1. .... Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. 

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi..."

Và Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:​

"1....Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội, Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 20 Thông tư này. Trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định chưa đủ số năm cuối quy định tại khoản 1 Điều 20 của Thông tư này thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

...

4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm."

Và theo Điều 3 Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định Từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng.

Từ các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn: Bạn có thời gian tham gia BHXH là 2 năm 9 tháng (tức 33 tháng), theo đó sau một năm nghỉ việc mà không tham gia BHXH thì bạn có thể nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để làm căn cứ tính BHXH một lần của bạn được tính như sau:

Mbqtl = (1.86 x 12 + 2.34 x 21) x 1.390.000 : 33 = 3.009.981 (đồng)

Như vậy, số tiền BHXH 1 lần bạn nhận được là:  3.009.981 x 2 x 3 = 18.059.886 (đồng)

Thứ hai, liên quan đến việc thay đổi số Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân:

Tại Công văn 3835/BHXH-CST quy định như sau:

"Theo quy định tại Điều 61 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, người tham gia BHXH, BHTN chỉ được cấp lại sổ BHXH trong trường hợp sổ BHXH bị mất, hỏng hoặc thay đổi; cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh đã ghi trên sổ BHXH. Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người tham gia BHXH, BHTN có thay đổi các nội dung khác như: số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.

Để tránh tình trạng người lao động phải đi lại nhiều lần, gây phiền hà và ảnh hưởng đến thời gian hưởng BHTN của người lao động, yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm không trả lại hồ sơ giải quyết BHTN khi không có sự trùng khớp số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp hoặc hộ khẩu thường trú với sổ BHXH để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHTN./."

Theo đó, trường hợp không trùng khớp số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp thì không ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng các chế độ BHXH của bạn, và bạn cũng không cần làm thủ tục cấp lại sổ BHXH. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169