Đinh Thị Minh Nguyệt

Thất nghiệp là gì? Khái niệm về thất nghiệp theo quy định?

Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên toàn quốc, nạn thất nghiệp lại trở nên phổ biến và gây khó khăn cho người lao động. Tuy vậy, từ lâu, chính phủ nước ta đã đặt ra quy định về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động cũng như người sử dụng lao động, giúp khắc phục phần nào những trở ngại trong quá trình tìm kiếm việc làm. Vậy để bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về quy định này, Luật Minh Gia xin đưa ra tư vấn qua bài viết sau.

1. Khái niệm về thất nghiệp

Dưới góc độ kinh tế, thất nghiệp là một hiện thực khách quan của nền kinh tế thị trường, xảy ra khi nguồn cung lao động lớn hơn nhu cầu sử dụng hoặc do các nguyên nhân khác nhau (thất nghiệp tự nguyện, thất nghiệp cơ cấu,…). Nói cách khác, thất nghiệp là khái niệm để chỉ những người trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm, không có nguồn thu nhập hoặc đang trong quá trình tìm kiếm công việc. 

Dưới góc độ pháp lý, hiện nay khái niệm thất nghiệp chưa được quy định cụ thể trong bất kì văn bản nào, tuy nhiên trong Luật bảo hiểm xã hội 2006 có quy định về người thất nghiệp như sau: “Người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.” Mặc dù đây chỉ là khái niệm mang tính chất tham khảo bởi Luật bảo hiểm xã hội 2014 thay thế Luật bảo hiểm xã hội 2006 đã bỏ quy định này, tuy nhiên đó cũng có thể coi là một trong những đặc điểm để nhận biết đối với người thất nghiệp hiện nay.

2. Một số quy định pháp luật liên quan đến thất nghiệp

Về bảo hiểm thất nghiệp

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, pháp luật đã đặt ra quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, theo khoản 4 điều 3 Luật việc làm 2013: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.”

Theo đó, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm tham gia loại hình bảo hiểm này, trong đó bao gồm những đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo điều 43 Luật việc làm 2013.  

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng theo khoản 1 điều 57 Luật việc làm 2013 như sau:

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

c) Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, với mức lương đóng tối đa như sau:

+ Người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương cơ sở = 29,8 triệu đồng/tháng

+ Người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương tối thiểu vùng

Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Điều 42 Luật việc làm 2013 quy định 4 chế độ được hưởng khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

- Trợ cấp thất nghiệp.

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

- Hỗ trợ Học nghề.

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tương ứng với mỗi chế độ này là điều kiện hưởng và mức hưởng khác nhau áp dụng với người lao động và người sử dụng lao động.

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại điều 49 Luật việc làm 2013 như sau:

"Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Đối với chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề, điều kiện hưởng áp dụng theo quy định tại điều 55 Luật việc làm 2013 bao gồm:

“Điều 55. Điều kiện được hỗ trợ học nghề

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 49 của Luật này;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là chế độ duy nhất mà người sử dụng lao động được hưởng, cụ thể điều kiện hưởng chế độ này quy định tại khoản 1 điều 47 Luật việc làm 2013 như sau:

"Điều 47. Điều kiện, thời gian và mức hỗ trợ

1. Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ;

b) Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh;

c) Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động;

d) Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, người lao động và người sử dụng lao động có thể theo dõi các quy định nêu trên để nắm được điều kiện mà mình được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp:

Theo quy định, mức hưởng đối với từng chế độ bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

- Đối với trợ cấp thất nghiệp (điều 50 Luật việc làm 2013):

Mức hưởng hàng tháng

=

Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

x

60%

Trong đó: Mức hưởng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở (đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng (đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định).

- Đối với chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm:

Điều 54 Luật việc làm 2013 quy định: “Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.”

Do đó, những cá nhân có nhu cầu tìm việc làm có thể liên hệ đến Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương để được tư vấn, giới thiệu miễn phí.

- Đối với chế độ hỗ trợ học nghề:

Theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

- Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169