Lại Thị Nhật Lệ

Thang, bảng lương là gì theo quy định?

Tiền lương là một trong những vấn đề mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều quan tâm. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng một chế độ tiền lương phù hợp bởi tiền lương ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động mà còn ảnh hưởng cả đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, chế độ lương tại Việt Nam được áp dụng theo dạng thang, bảng lương, mức lương áp dụng theo lương tối thiểu vùng hoặc theo hệ số lương. Vậy thang, bảng lương là gì theo quy định của pháp luật? Hãy tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia để tìm hiểu về vấn đề trên.

1. Thang, bảng lương là gì theo quy định pháp luật?

Thang, bảng lương là hệ thống các nhóm lương, ngạch lương và các bậc lương được thiết kế làm cơ sở trả lương cho người lao động. Tùy theo năng lực, mức độ phức tạp của công việc. Doanh nghiệp sẽ trả lương cho người lao động dựa trên thang bảng lương đã xây dựng.

Thang lương là bảng xác định quan hệ tỷ lệ về tiền lương giữa những người công nhân trong cùng một nghề hoặc một nhóm nghề giống nhau về trình độ lành nghề của họ. Tức là làm những công việc có tính chất, đặc điểm và nội dung giống nhau thì sẽ có chung một thang lương.

Kết cấu của thang lương bao gồm một số bậc lương và các hệ số lương tương ứng với từng bậc lương đó. Bậc lương là bậc phân biệt về trình độ lành nghề của công nhân và được xếp từ thấp đến bậc cao nhất tùy thuộc vào thang lương cụ thể của từng doanh nghiệp. Hệ số lương là hệ số chỉ rõ lao động của công nhân ở một bậc nào đó được trả lương cao hơn với người lao động làm việc ở công việc được xếp vào mức lương tối thiểu là bao nhiêu lần.

Đối với lao động gián tiếp do đặc điểm của lao động là sử dụng trí óc do vậy khó xác định được mức độ phức tạp của công việc nên không gọi là thang lương mà gọi là bảng lương. Bảng lương cũng bao gồm hệ số lương được thiết lập cho một số chức danh cụ thể

Hệ thống thang, bảng lương trong doanh nghiệp bao gồm:

- Hệ thống thang, bảng lương của công nhân

- Hệ thống bảng lương lao động chuyên môn nghiệp vụ trong doanh nghiệp

- Hệ thống bảng lương chức vụ quản lý doanh nghiệp

2. Nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương

Theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì việc xây dựng thang lương, bảng lương thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; khi xây dựng, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Bộ luật Lao động năm 2019 không có quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và việc doanh nghiệp phải gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Vì vậy, việc xây dựng thang, bảng lương là do doanh nghiệp tự thực hiện dựa trên tình hình sản xuất của đơn vị nhưng vẫn phải tôn trọng các quy định của pháp luật về xác định lương của người lao động.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến thang, bảng lương

* Các yếu tố bên ngoài

- Các quy định của pháp luật về tiền lương như quy định về mức lương tối thiểu vùng và các quy định khác liên quan đến tiền lương của người lao động mà doanh nghiệp cần tuân thủ

- Chi phí sinh hoạt và sự biến động về giá cả thị trường. Nếu giá cả tăng lên thì tiền lương thực tế của người lao động giảm, khả năng thanh toán cho các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng giảm, điều này ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của người lao động, ảnh hưởng tới quá trình tái sản xuất sức lao động, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả làm việc của người lao động.

- Mức tiền lương thực tế của từng loại lao động trên thị trường. Yếu tố này ảnh hưởng đến mức lương mà doanh nghiệp xác định sẽ trả cho người lao động, doanh nghiệp có thể lựa chọn mức lương cao hơn hoặc thấp hơn mức lương thực tế trên thị trường tùy thuộc vào quan điểm trả lương của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu mức lương thíc hợp thì sẽ bảo đảm được khả năng cạnh tranh trong việc tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

* Các yếu tố bên trong

- Mức độ phức tạp của công việc ảnh hưởng đến việc xác định bội số và số bậc của thang, bảng lương. Đây là yếu tố quan trọng trong việc xác định bội số lương và số bậc trong thang lương, nó là cơ sở để xác định hệ số lương.

- Tính chất, đặc điểm, nội quy quy trình công nghệ sẽ ảnh hưởng đến số lượng thang  lương, bảng lương trong doanh nghiệp. Nếu tính chất, đặc điểm, nội dung quy trình công nghệ khác nhau thì sẽ phải xây dựng nhiều thang, bảng lương khác nhau, ngược lại nếu quy trình công nghệ đồng nhất, đặc điểm, tính chất công việc tương đối giống nhau thì số lương thang, bảng lương phải xây dựng sẽ ít hơn.

- Khả năng tài chính của doanh nghiêp: Khi xây dựng thang lương, bảng lương cần tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, xem xét doanh nghiệp có thể trả lương cho người lao động ở mức độ nào để xây dựng thang, bảng lương cho hợp lý, tránh trường hợp thang, bảng lương được xây dựng xong mà doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính để chi trả cho người lao động thì thang, bảng lương đó không thể áp dụng được và cũng không có giá trị.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo