Cà Thị Phương

Thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã đối với hành vi lấn, chiếm đất

Pháp luật quy định về các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này? Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây của công ty Luật Minh Gia:

1. Luật sư tư vấn Luật Đất đai

Lấn, chiếm đất là một trong những hành vi vi phạm pháp luật đất đai diễn ra phổ biến hiện nay. Trong đó, lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng mà không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp: Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;…

Xuất phát từ nguyên tắc phân cấp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, pháp luật quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định để xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hiện nay còn nhiều vướng mắc. Do đó, để xác định đúng thẩm quyền, thực hiện đúng quy định của pháp luật, bạn nên tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc tham khảo ý kiến luật sư chuyên môn.

Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực đất đai

Nội dung tư vấn: Trường hợp của tôi bị Chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định xử phạt hành chính với hành vi vi phạm lấn, chiếm đất quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:

1. Hình thức phạt chính: Phạt tiền. Mức phạt 4.000.000đ

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: - Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Tôi không thực hiện theo quyết định UBND thị trấn ban hành Quyết định cưỡng chế thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Với biện pháp cưỡng chế:

1. Áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định để thu tiền phạt với số tiền là 4.000.000 (bốn triệu đồng).

2. Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Cụ thể: Buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng nhà tạm trên đất do nhà nước quản lý.

Hỏi: xin hỏi Chủ tịch UBND xã Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Cụ thể: Buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng nhà tạm trên đất do nhà nước quản lý đối với tôi như vậy có đúng thẩm quyền không?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn đưa ra thì Chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm lấn, chiếm đất quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với mức xử phạt chính là phạt tiền 4.000.000 đồng và buộc khối phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Hành vi của bạn được quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP như sau:

Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND xã được quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP như sau:

"1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.”

Theo quy định trên thì Chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định như vậy là đúng thẩm quyền.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo