Nguyễn Nhàn

Gộp sổ BHXH khi thay đổi CMND, CCCD thế nào?

Hiện nay nước ta đang đẩy mạnh triển khai cấp đổi từ chứng minh thư sang căn cước công dân, điều này dẫn đến nhiều trường hợp người lao động vướng mắc không rõ việc thay đổi số chứng minh thư có cần thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm? Nếu đang có hai số sổ bảo hiểm với số chứng minh thư khác nhau thì gộp sổ BHXH cần làm gì? Qua bài viết này Luật Minh Gia tư vấn cụ thể như sau:

Câu hỏi:

Năm 20xx tôi đã tham gia đóng BHXH được 9 tháng, sổ bhxh đã được chốt nhưng năm 20xx tôi bị mất chứng minh thư và đi làm lại thì họ cấp cho tôi 1 số CMT khác. Vậy Bây giờ tôi đi làm và đóng bhxh, thì tôi có được đóng tiếp vào sổ cũ không? và nếu bây giờ tôi đã đóng bhxh theo sổ mới thì tôi có được gộp 2 sổ là 1 không? nếu được thì phài làm thủ tục gì. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp anh đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

- Thứ nhất, về thay đổi chứng minh nhân dân trên sổ BHXH

Tại công văn số 3835/BHXH-CST có quy định như sau: “Theo quy định tại Điều 61 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, người tham gia BHXH, BHTN chỉ được cấp lại sổ BHXH trong trường hợp sổ BHXH bị mất, hỏng hoặc thay đổi; cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh đã ghi trên sổ BHXH. Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người tham gia BHXH, BHTN có thay đổi các nội dung khác như: số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.”

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì khi người tham gia bảo hiểm có thay đổi các nội dung liên quan đến số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân thì không phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.

Do đó, trường hợp anh có thay đổi số chứng minh thư nhân dân thì không bắt buộc phải cấp lại sổ mới, đồng nghĩa với việc anh vẫn được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội vào số sổ cũ, tuy nhiên để tránh các rắc rối liên quan đến việc hưởng các chế độ anh nên làm thủ tục điều chỉnh lại thông tin chứng minh thư trên sổ bảo hiểm xã hội của mình.

- Thứ hai, về thủ tục gộp sổ khi có nhiều sổ bảo hiểm

Tại Khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/2020/QĐ-BHXH sửa đổi Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH có quy định về Nội dung ghi trên sổ và gộp sổ bảo hiểm xã hội như sau:

“...

2. Gộp sổ BHXH và hoàn trả

Trường hợp một người có từ 2 sổ BHXH trở lên đề nghị gộp sổ bảo hiểm xã hội, cán bộ Phòng/Tổ cấp sổ, thẻ thực hiện kiểm tra, đối chiếu nội dung đã ghi trên các sổ BHXH và cơ sở dữ liệu; lập Danh sách đề nghị gộp sổ BHXH (Mẫu C18-TS) chuyển cán bộ Phòng/Tổ quản lý thu thực hiện:

+ Trường hợp thời gian đóng BHXH trên các sổ BHXH không trùng nhau: Thực hiện gộp quá trình đóng BHXH của các sổ BHXH trên cơ sở dữ liệu; hủy mã số sổ BHXH đã gộp.

+ Trường hợp thời gian đóng BHXH trên các sổ BHXH trùng nhau: lập Quyết định hoàn trả (Mẫu C16-TS) để hoàn trả cho người lao động theo quy định tại Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 43.

...”

Căn cứ theo quy định nêu trên có thể xác định mỗi người lao động khi tham gia quan hệ lao động chỉ được tham gia bảo hiểm trên một số sổ bảo hiểm. Trường hợp người lao động có từ hai sổ bảo hiểm xã hội trở lên thì phải thực hiện thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội.

Do đó, nếu anh đã có hai sổ bảo hiểm xã hội khác nhau thì cần thực hiện thủ tục gộp sổ để thống nhất thời gian tham gia bảo hiểm trên một số sổ.

Với vấn đề gộp sổ, anh có thể liên hệ với công ty nơi đang làm việc hoặc trực tiếp liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm, cung cấp các sổ bảo hiểm đang có để cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục gộp sổ theo quy định.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo