Thắc mắc về thời gian thử việc và quyền lợi được hưởng./.
Nội dung yêu cầu: Sau 4 tháng tôi sẽ được lên lương. Nhưng tôi nghĩ phụ bếp bánh thì đâu cần gọi là học việc. Sau khi tôi làm được 1 tháng thì có rất nhiều người mới vô nhưng đều là giám đốc phỏng vấn và chỉ nói là họ chỉ cần thử việc 2 tháng thôi rồi ký HDLD chính thức chứ ko cần học việc như tôi. Tôi muốn hỏi như vậy có đúng ko. Rồi sau khi tôi làm được 92 ngày thì bên công ty gửi xuống bản đánh giá nói trong thời gian thử việc của tôi ko đạt. Và nói sắp xếp cho tôi nghỉ trong tháng 11. Là công ty báo trước cho tôi 20 ngày. Tôi nghĩ thời gian qua ko phải học việc mà là thử việc và tôi làm rất nhiều. Bên nhân sự phỏng vấn tôi khác còn bên giám đốc thì phỏng vấn những người vô sau lại khác.toi nghĩ là mình mất quyền lợi. Nếu vậy trong 3 tháng hơn tôi làm có được tính là thời gian thử việc không. Với lại theo luật là chỉ được thử việc tôi trong vòng 1 2 tháng thôi. Vì lúc đầu chỉ là hợp đồng miệng như vậy tôi có được quyền lợi gì cho mình ko.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:
Thứ nhất, quy định của pháp luật về thử việc.
Điều 27 Bộ luật lao động 2012 quy định thời gian thử việc
"Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác".
Theo quy định của pháp luật, thời gian thử việc 02 tháng chỉ áp dụng trong trường hợp công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Vậy, với công việc là phụ bếp bánh mà NSDLĐ yêu cầu bạn thử việc 02 tháng là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau khi kết thức thời gian thử việc, nếu NLĐ đạt yêu cầu thì NSDLĐ có trách nhiệm phải giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, nếu có căn cứ chứng minh trong quá trình thử việc bạn hoàn thành tốt công việc do NSDLĐ yêu cầu mà người này không ký HĐLĐ chính thức thì bạn có quyền kiến nghị hoặc gửi yêu cầu tới Cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Điều 29 BLLĐ 2012 quy định kết thúc thời gian thử việc:
"1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận".
Thứ hai, quy định về học nghề, tập nghề.
Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động
"1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.
Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia".
Chiểu theo quy định trên, trước khi nhận NLĐ vào làm việc thì NSDLĐ và NLĐ có quyền thỏa thuận việc học nghề, tập nghề. Trong quá trình học nghề, nếu NLĐ làm ra sản phẩm đúng quy cách thì được NSDLĐ trả lương theo thỏa thuận. Hết thời gian học nghề thì hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
Tuy nhiên các văn bản hướng dẫn không hướng dẫn chi tiết quy định "đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này" nên trên thực tế NSDLĐ yêu cầu NLĐ vừa phải học nghề, vừa phải thử việc.
Đối với vụ việc trên, xuất phát từ việc pháp luật không quy định cụ thể nên sẽ khó khăn để xác định hành vi của NSDLĐ là đúng hay trái quy định. Vậy, để giải quyết thì cần phải thu thập các chứng cứ từ quá trình tập nghề, thử việc của bạn tại đơn vị trên. Bởi, nếu có đủ cơ sở chứng minh NSDLĐ lạm dụng quy định về tập nghề để trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước, hoặc lợi dụng NLĐ thì hành vi trên của NSDLĐ là trái quy định của pháp luật.
Như phân tích trên, trong thời gian học nghề, thử việc thì quyền lợi về tiền lương của bạn được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thắc mắc về thời gian thử việc và quyền lợi được hưởng./.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất