Chi trả thu nhập tăng thêm trong đơn vị sự nghiệp công lập thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tư vấn về chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức
Thu nhập tang thêm thường xuất hiện trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và nhận được sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp trong các cơ quan, tổ chức đã nói trên.
Hiện nay, chế độ thu nhập tang thêm đang được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? Điều kiện hưởng các chế độ này ra sao? Vấn đề chi trả như thế nào là các vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Để được giải đáp cụ thể các vấn đề liên quan đến thu nhập tăng thêm, đảm bảo quyền lợi của mình quý khách hàng có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia để được bộ phận luật sư, chuyên viên tư vấn của chúng tôi tư vấn cụ thể trường hợp của mình.
2. Thu nhập tăng thêm trong đơn vị sự nghiêp công lập
Câu hỏi:
Tư vấn về vấn đề trả thu nhập tăng thêm khi người lao động hay công chức, viên chức nghỉ việc trong đơn vị sự nghiệp công lập như sau: Ở trường tiểu học, tiền thu nhập tăng thêm được tính theo năm tài chính. Em công tác hết tháng 08/2017. Em làm đơn và có quyết định nghỉ từ 01/09/2017. Tiền thu nhập tăng thêm được chia theo quý. Quý 1 và 2 em có được hưởng. Quý 3, em công tác 02 tháng nhưng không được hưởng.
Thường thì 3 quý đầu là tạm tính, đến quý 4 mới chốt lại và chia bình quân cho 12 tháng. Em có hỏi, Hiệu trưởng trả lời: "Vì làm đơn xin nghỉ nên quý nào hưởng rồi thì thôi, còn sau đó là không tính. Những trường hợp do Phòng thuyên chuyển thì vẫn được hưởng còn tự ý xin thuyên chuyển là không được hưởng. Ai về hưu vẫn được tính". Có người lại nói: "Ai công tác đủ năm mới tính". Vậy thử hỏi những giáo sinh mới vào nghề có công tác đủ năm không mà họ vẫn được hưởng. - Luật sư cho em hỏi luật nào quy định như vậy?- Em yêu cầu thanh toán tiền thu nhập tăng thêm 8 tháng công tác cho em ( trừ đi khoản đã tạm tính ở quý 1 và 2 )? Việc đòi hỏi quyền lợi này có chính đáng không?- Việc làm của người đại diện chính quyền trường có đúng không?Em nghĩ đã là trường công lập, dùng ngân sách của Nhà nước thì ai cũng như ai. Chứ đâu có kiểu sau khi nghỉ là họ mất hết quyền lợi thời gian họ đã công tác hay sao? Kính mong Luật sư giúp đỡ! Chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Căn cứ về chi trả thu nhập tăng thêm
Căn cứ Khoản 8, Điều 3, Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV quy định về chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động:
“a) Cách xác định:
Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức và người lao động. Quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm một năm được xác định theo công thức:
QTL = Lmin x K1 x K2 x L x 12 tháng
Trong đó:
QTL: Là Quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ của cơ quan được phép trả tăng thêm tối đa trong năm;
Lmin: Là mức lương cơ sở (đồng/tháng) hiện hành do nhà nước quy định;
K1: Là hệ số điều chỉnh tăng thêm thu nhập (tối đa không quá 1,0 lần);
K2: Là hệ số lương ngạch, bậc, chức vụ bình quân của cơ quan;
L: Là số biên chế được giao và số lao động hợp đồng không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt."
"b) Trả thu nhập tăng thêm:
Trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi trên đây, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức và người lao động (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc). Người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn; không thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương. Mức chi trả cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan."
Và Điểm b và Điểm c, Khoản 3, Điều 12, Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định:
“b) Sử dụng các Quỹ
- Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (đối với đơn vị được giao vốn theo quy định) để tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu có).
- Quỹ bổ sung thu nhập: Để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm.
Việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác. Hệ số thu nhập tăng thêm của chức danh lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công tối đa không quá 2 lần hệ số thu nhập tăng thêm bình quân thực hiện của người lao động trong đơn vị.
- Quỹ khen thưởng: Để thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị (ngoài chế độ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng) theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị. Mức thưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
- Quỹ phúc lợi: Để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế.
c) Mức trích cụ thể của các quỹ quy định tại Điểm a Khoản này và việc sử dụng các quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị..”
- Tính mức chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV và Điểm b,c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 16/2015/NĐ-CP việc chi trả thu nhập tăng thêm được căn cứ vào thành tích đóng góp để tiết kiệm chi và hiệu suất công tác. Ngoài ra, việc chi bổ sung thu nhập cho người lao động được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng, hiệu quả công tác. Mức trích quỹ bổ sung thu nhập cũng được thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ vì đơn vị sự nghiệp công lập có quyền thực hiện tự chủ quyết định chi trả thu nhập tăng thêm.
Trường hợp của bạn tính từ thời điểm bắt đầu năm tài chính đến khi bạn nghỉ việc thì căn cứ vào hiệu suất công việc và thành tích đóng góp để tiết kiệm chi của bạn hay đơn vị bạn để đơn vị trả thu nhập tăng thêm cho bạn trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Nếu đơn vị thực hiện sai quy chế hay không tuân thủ các quy định về chi trả thu nhập tăng thêm thì bạn có thể khiếu nại lên thủ trưởng đơn vị để được giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất