Tạo lòng tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Kính chào quý công ty, mình kính mong quý công ty giải đáp giúp mình vấn đề mình đang gặp phải. Gia đình mình đã tin tưởng và đã bị người khác lừa với số tiền gần 1 tỷ đồng, mình xin trình bày cụ thể như sau: Chị gái mình là người bình thường xét về một góc độ tâm linh thì chị gái mình có căn quả cô chín đẫ đi và làm phúc cho rất nhiều người, rồi có một người khách đền xem và nhờ sự giúp đỡ của chị mình và chị ấy đã giúp cho người này, sau một thời gian người này đến cảm ơn với chị gái mình, họ trình bày rằng nhờ có em giúp chị mà chị có lộc giờ chị được may mắn và có lộc, chị muốn cảm ơn em cho những gì em đã giúp chị, bằng những lời nói hứa hẹn mua cái nọ cái kia đem tặng, nhưng chị mình không nhận, bởi con người chị mình có căn quả với phật chị giúp bằng cái tâm chứ không vị mưu lợi cá nhân, chị gái mình cảm ơn và không nhận những thứ mà hộ nói, còn người khách kia lại xin kết tình chị em với chị gái mình khó khăn gì chị em giúp đỡ lẫn nhau. Rồi việc gì đến cũng đã đến người khách kia đã lợi dụng sự tin tưởng và lòng thành tâm của chị gái mình rằng là, em ơi đợt này chị đang làm một khoá lễ lớn để giúp đỡ cho những người như em và cho cả những người thân trong gia đình em, khoá lễ này cần một khoản tiền không nhỏ và không hiểu ma xui quỷ khiến gì mà chị gái mình tin tưởng và giao tiền cho người con gái kia hết lần này đến lần khác cả đưa tiền mặt trực tiếp lẫn chuyển khoản chỉ trong vòng vài tháng số tiền đã lên đến gần tỷ đồng, một lần tình cờ chị gái mình đi lễ chùa gặp một người có họ hàng liên quan đến người khách kia và nói chuyện và biết rằng ngừoi khách kia là kẻ lừa đảo đã lợi dụng lòng tin của chị gái mình và chiếm đoạt tài sản của chị gái mình. Vậy mình viết những dòng chữ kể thuật lại cho quý công ty mà nghẹn ngào trong nước mắt đó là số tiền mà mồ hôi sương máu của gia đình chị ấy tích góp bao năm chưa kế có cả số tiền của những người thân của chị ấy. Vậy trong nghẹn ngào tôi kính mong quý công ty tư vấn giúp đỡ gia đình tôi trong hoàn cảnh bây giờ! Tôi xin chân thành cảm ơn quý công ty!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:
"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
...
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Chúng tôi sẽ phân tích về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để bạn có thể hiểu rõ hơn:
Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, không có thủ đoạn thuộc về tư tưởng, suy nghĩ của người phạm tội lại không được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao gìơ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp này, người khách kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên với những thông tin bạn đưa ra. Bên cạnh đó bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khách này để chị ta chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất