Tặng cho đất bằng lời nói có đòi lại được không?
1. Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?
Căn cứ theo Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
“Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Theo đó, Hợp đồng tặng cho tài sản là văn bản thoả thuận về việc chuyển giao tài sản giữa người tặng, cho và người nhận tặng cho mà không yêu cầu đền bù.
2. Quy định về hợp đồng tặng cho bất động sản?
Điều 459 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
“Điều 459. Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”
Như vậy, việc tặng cho bất động sản bắt buộc phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, nếu không phải đăng ký thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm ký kết hợp đồng.
3. Tặng cho đất bằng lời nói có đòi được không?
Câu hỏi:
Xin chào công ty Luật Minh Gia. Gia đình ông bà có 6 người ông, bà, hai anh của bố em, bố em và hai cô em gái của bố em. Tất cả đã yên bề gia thất nhưng ông bà nội thì vẫn chưa ở cùng bác trưởng tức anh cả của bố em. Năm 1991 ông em có cho gia đình em ra ở riêng trên một mảnh đất rộng 432m2 và gia đình em đã kê khai, xây dựng nhà và sử dụng ổn định nhưng chưa có sổ đỏ. Năm 1992 địa chính xã vẽ bản đồ để đóng thuế đất nhà nước. Từ năm đó đến nay gia đình em đóng hoàn toàn tất cả thuế đất đai. Qua nhiều năm sử dụng ngôi nhà dần xuống cấp bố mẹ em muốn xây lại nhà mới thì ông nội em lại đòi lại không cho xây và đòi lại một nửa mảnh đất đó. Vậy công ty giúp em rõ là mảnh đất đó có thuộc quyền sở hữu về gia đình em hay không? Mong công ty sớm cho em biết tin. Em xin chân thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của anh, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:
Xét về căn cứ sử dụng đất ổn định
Theo thông tin anh cung cấp, năm 1991 gia đình đã được ông nội tặng cho diện tích đất 432m2 nhưng không có hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, gia đình đã kê khai sử dụng đất từ thời điểm năm 1991 và đến năm 1992 đã được đo đạc, đứng tên trên bản đồ địa chính và nộp thuế sử dụng đất từ đó đến nay.
Căn cứ điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, biên lai nộp thuế của gia đình từ năm 1991 đến nay và bản đồ địa chính năm 1992 là những căn cứ sử dụng đất ổn định của gia đình.
Xét về việc tặng cho quyền sử dụng đất
Việc tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật cần được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Vì vậy, giữa ông nội và bố mẹ chỉ tặng cho quyền sử dụng đất bằng lời nói là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất và có thể bị tuyên bố giao dịch tặng cho vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Tuy nhiên, gia đình anh đã sử dụng liên tục, công khai và thực hiện các nghĩa vụ về thuế của người sử dụng đất, đồng thời, gia đình đã xây nhà, trồng cây, sinh sống ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất thì có thể chứng minh việc tặng cho quyền sử dụng đất đã được thực hiện xong. Khi đó, có căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình anh.
Xét về việc đòi lại đất
Nếu ông nội chứng minh trước đây không tặng cho quyền sử dụng đất mà chỉ cho mượn để bố mẹ anh sử dụng hoặc chứng minh tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện nhưng gia đình anh vi phạm điều kiện đó thì có thể đòi lại đất. Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích ở trên, gia đình anh đã sử dụng ổn định, liên tục, công khai và có nhiều người biết về việc gia đình được ông bà tặng cho quyền sử dụng đất. Đồng thời, gia đình đã kê khai quyền sử dụng đất, được đo đạc lập bản đồ địa chính và nộp thuế sử dụng đất đầy đủ. Vậy nên, gia đình anh vẫn có thể được công nhận quyền sử dụng đất dù không có hợp đồng tặng cho.
Nếu gia đình không thể tự thỏa thuận, hòa giải về vấn đề tranh chấp đất đai, bố mẹ của anh có thể nộp đơn đề nghị UBND cấp xã hòa giải hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án để công nhận quyền sử dụng đất.
Do chưa có đầy đủ thông tin và hồ sơ địa chính của thửa đất nên Luật Minh Gia chưa thể khẳng định mảnh đất có thuộc quyền sở hữu về gia đình anh hay không? Nếu có thông tin hoặc hồ sơ bổ sung thì anh có thể liên hệ cho chúng tôi để hỗ trợ tư vấn cho anh.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất