Lại Thị Nhật Lệ

Tạm giữ, tạm giam để điều tra quy định thế nào?

Nhờ luật sư tư vấn về tạm giữ, tạm giam để điều tra như sau: Tôi hiện là nhân viên thủ quỹ tại một Công ty cổ phần (trước đây là Cty Nhà nước, nay đã được cổ phần hóa). Tôi có một sự việc muốn nhờ luật sư tư vấn giúp như sau: Khoản 13 giờ ngày 29/9/20xx tôi có nhận tiền của ngân hàng A và tiến hành chi tiền cho 27 hộ dân, đến 16 giờ cùng ngày, kiểm quỹ thì phát hiện mất 500 triệu đồng.

Tôi đã làm đơn báo cáo lãnh đạo Cty, qua ngày hôm sau tôi cũng làm đơn báo cáo lên công an huyện, nhờ lãnh đạo công an huyện tìm giúp dùm. Xin hỏi luật sư trường hợp của tôi có bị công an bắt giam không? Về việc thất thoát 500 triệu tôi thừa nhận là do mình tự gây ra, nếu công an điều tra không ra tôi chấp nhận hoàn trả 500 triệu cho Cty. Rất mong được sự hướng dẫn của luật sư, tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ theo điều 59 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về người bị tạm giữ:

“Điều 59. Người bị tạm giữ

1. Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ...”

Như vậy, bạn sẽ chỉ bị tạm giữ trong trường hợp bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Ngoài các trường hợp trên thì bạn sẽ không bị tạm giữ, trong quá trình cơ quan công an thực hiện điều tra thì sẽ triệu tập bạn lên để lấy lời khai, viết bản tường trình về tình tiết của vụ việc. Thời gian tạm giữ là 3 ngày, trong trường hợp đặc biệt được gia hạn 2 lần tối đa không quá 9 ngày.

Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì tạm giam được áp dụng trong các giai đoạn: Điều tra; truy tố; xét xử. Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định căn cứ để tạm giam bị can, bị cáo tại Điều 119:

“Điều 119. Tạm giam

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;...”

Do thông tin bạn cung cấp còn chưa rõ nên tôi chưa thể xác định cụ thể bạn có bị tạm giữ, tạm giam để điều tra hay không. Bạn có thể dựa vào căn cứ trên để thực hiện đối chiếu với trường hợp của mình.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo