Tạm giam bao lâu thì được gặp mặt người thân?
1. Tạm giam là gì?
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp tạm giam.
Như vậy, tạm giam là một trong số các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự; khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, người bị tạm giam bị cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do thân thể, cư trú, đi lại…
2. Tạm giam bao lâu thì được gặp mặt người thân?
Khi bị tạm giam để điều tra, người bị tạm giam vẫn có quyền được gặp người thân theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015:
“Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:
…
d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;…”
Thời gian gặp, trình tự thủ tục được quy định tại Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam như sau:
“1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.”
Như vậy, trong tháng đầu tiên bị tạm giam thì đã có thể gặp mặt người thân. Người thân có thể thăm gặp người đang bị tạm giam, tạm giữ nhưng phải trong điều kiện phù hợp và được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ sở giam giữ.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất