LS Thanh Hương

Vật chứng là tài sản trộm cắp có được trả lại khi đang điều tra không?

Luật sư tư vấn về tội trộm cắp tài sản, vật chứng trong vụ án hình sự, thời hạn điều tra và những vấn đề pháp lý liên quan? Nội dung hỏi và trả lời như sau:

Câu hỏi:

Xin chào công ty Luật Minh Gia. E có một vài câu hỏi cần giải đáp, mong các anh/chị luật sư trả lời sớm giúp e ạ.1.Sáng  ngày 6/2/2018 e bị trộm xe máy. trị giá 20 - 30 triệu đồng . Qua điều tra thì 18h cùng ngày, c.an tìm thấy xe và kẻ trộm. Kẻ trộm đã nhận tội.. Kẻ trộm nhận tội luôn và chưa tiền án tiền sự. Vậy e muốn hỏi xe của e bao giờ thì được trả về? 2. Khi bị mất xe e có kèm theo ổ khóa xe, khóa nhà, khóa công ty. Vậy trường hợp chưa thể lấy xe ra. e có thể xin lấy khóa về được không. 3. Gia đình kẻ trộm cần bồi thường như thế nào cho e. Vì e cần hỗ trợ các a c.an điều tra án. 4. Gia đình kẻ trộm đã bảo lãnh kẻ trộm về quê ăn tết. Vậy e phải làm như thếnào? 5. Trường hợp kẻ trộm được bảo lãnh thì e có được nhận xe về luôn không ạ? Mong anh/chị luật sư trả lời giúp e ạ. E xin chân thành cám ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 về tội trộm cắp tài sản như sau:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Theo đó, người trộm cắp chiếc xe của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trộm cắp tài sản với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về vật chứng tại Điều 89 như sau:

Điều 89. Vật chứng

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Như vậy, chiếc xe của bạn được coi là đối tượng của tội phạm và được áp dụng quy định về  xử lý vật chứng theo quy định tại Điều 106 Bộ luật này như sau:

Điều 106. Xử lý vật chứng

1, Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2, Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3, Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4, Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo quy định trên, nếu chiếc xe của bạn là vật chứng của vụ án này, thì cơ quan điều tra sẽ tạm giữ vật chứng để phục vụ cho hoạt động điều tra. Thời gian tạm giữ xe để điều tra phụ thuộc vào thời gian điều tra của từng vụ án cụ thể. Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định tại Điều 172 như sau:

Điều 172. Thời hạn điều tra

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Theo đó, nếu xe của bạn được giữ để phục vụ điều tra vụ án, thì sau khi kết thúc thời hạn điều tra hoặc không cần thiết giữ phương tiện để điều tra thêm thì cơ quan công an sẽ trả lại xe cho bạn. Còn trong trường hợp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án thì vật chứng là chiếc xe sẽ được lập tức trả lại cho bạn.

Việc người có hành vi phạm tội được bảo lãnh không ảnh hưởng đến quá trình điều tra đối với vật chứng, nên điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể nhận xe của mình về trong cùng thời điểm. Như đã phân tích ở trên, nếu muốn nhận lại xe bạn có thể trình bày vấn để với cơ quan điều tra và xác định xe của mình có phải tạm giữ để phục vụ giải quyết vụ án hay không.

Về vấn đề bạn muốn nhận lại chìa khóa xe, nhà, chìa khóa công ty thì có thể làm đơn yêu cầu cơ quan công an hỗ trợ giải quyết. Vì những vật này phần lớn không ảnh hưởng nhiều đến tình tiết của vụ án, đồng thời cần thiết cho sinh hoạt của bạn nên cơ quan điều tra có thể xem xét trả lại cho bạn trong thời gian sớm nhất.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của gia đình người có hành vi trộm cắp tài sản. Bạn có thể yêu cầu họ bồi thường nếu có những thiệt hại thực tế về tài sản như sau:

Quy định tại Điều 589 – Bộ luật Dân sự có quy định về những thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Do đó, nếu qua hành vi trộm cắp người phạm tội gây xây xát, hư hỏng cho xe của bạn thì phải chịu trách nhiệm bồi thường với khoản hư hại đó. Trong trường hợp người này không gây hư hỏng chiếc xe thì phải bồi thường một khoản tiền hợp lý cho những ngày người đó lấy xe làm hạn chế quyền sử dụng của bạn. Số tiền bồi thường căn cứ trên thiệt hại thực tế phát sinh và do sự thỏa thuận giữa hai bên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169