Tai nạn lao động trong thời gian thử việc xử lý thế nào?
Nội dung đề nghị tư vấn 1: Cháu có người em bị tai nạn lao động chết trên đường đi cấp cứu (lỗi do người sử dụng lao động). Nội dung như sau: Em cháu mới chỉ vào làm trong công ty đó được 6 ngày, với mức lương thỏa thuận bằng miệng là 7.020.000 đ một tháng (chưa ký HĐLĐ, và chưa đóng BHXH). Vậy cho cháu hỏi thân nhân gia đình có được nhận tiền tuất không ạ? Cảm ơn luật sư nhiều!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, về chế độ tai nạn lao động
Theo thông tin bạn cung cấp, cháu bạn làm trong công ty được 06 ngày và bị tai nạn lao động (chết trên đường đi cấp cứu). Như vậy, dù chỉ thoả thuận công việc, mức lương bằng miệng nhưng trên thực tế cháu bạn đã là người lao động của công ty. Khi xảy ra tai nạn lao động, thì người lao động thử việc được bồi thường tai nạn lao động như người lao động chính thức.
Căn cứ quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2019, đối chiếu với trường hợp của em bạn, người sử dung lao động có trách nhiệm khi người lao động bị tai nạn lao động: Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến điều trị; Bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu lỗi không hoàn toàn do người lao động gây ra.
Ngoài khoản bồi thường từ phía công ty, người lao động nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng chế độ tai nạn từ phía cơ quan BHXH. Tuy nhiên, trường hợp của em bạn được xác định là tai nạn lao động nhưng vì đang trong thời gian thử việc nên em bạn không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và công ty cũng không đóng bảo hiểm nên em bạn sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động từ cơ quan bảo hiểm xã hội và công ty cũng không có căn cứ để công ty trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, về chế độ tử tuất
Chế độ tử tuất chỉ áp dụng khi người lao động thuộc đối tương tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp của em bạn mới chỉ vào làm trong 06 ngày (chưa ký HĐLĐ, chưa đóng BHXH) và cũng chưa đủ thời gian để tham gia đóng BHXH bắt buộc. Do vậy, gia đình chưa đủ điều kiện hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật.
Nội dung đề nghị tư vấn 2: Tôi nghỉ việc do đi khám bệnh bệnh viện cho phép nghỉ hưởng bảo hiểm và có giấy nghỉ hưởng bảo hiểm nhưng ngày nghỉ của tôi trùng với thứ 7 ngày nghỉ của công ty nên phòng hành chính nhân sự thông báo tôi chỉ được nghỉ bình thường và không được hưởng tiền trợ cấp bảo hiểm do ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ của công ty. Vậy có dúng không. Theo tôi được biết thì bảo hiểm chi trả là tính 26 ngày công thì đã bao gồm cả 4 thứ bảy trong tuần mà. Mong quý công ty giúp đỡ để tôi hiểu thêm. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn nghỉ việc đi khám bệnh và có giấy nghỉ hưởng bảo hiểm nhưng ngày nghỉ lại trùng với thứ 7 là ngày nghỉ của công ty nên phòng hành chính nhân sự không giải quyết chế độ ốm đau cho bạn.
Căn cứ quy định tại Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định Thời gian hưởng chế độ ốm đau như sau:
“Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau
1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
…”
Như vậy, số ngày tính để hưởng (chi trả) cho bạn khi chế độ ốm đau được tính trên số ngày làm việc, không tính ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, tết.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn nghỉ ốm đau nhưng ngày nghỉ trùng với thứ 7 là ngày nghỉ của công ty. Do đó bạn không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau là phù hợp với quy định pháp luật.
Trân trọng !
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất