LS Nguyễn Thùy Dương

Tai nạn lao động, ai bồi thường?

Cháu chào các cô chú, gia đình cháu đang gặp rắc rối rất mong được các cô chú tư vấn. Sự việc cụ thể như sau : Ngày 19/09 trong giờ làm việc ka 2 khi đang vận hành máy cẩu đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 1 công nhân mắc cáp tử vong.


Nguyên nhận tử vong được xác định là sau khi mắc cáp có hiệu lệnh của người lái cẩu công nhân mắc cáp rời khỏi vị trí cẩu trong lúc chạy từ vị trí mắc cáp ra công nhân này bị ngã va vao goong dẫn đến tử vong Vậy cháu muốn hỏi người vận hành cầu có phải chịu trách nhiệm cũng như bồi thường gì về cái chết của công nhân mắc cáp không ? Rất mong nhận được câu trả lời của các cô chú, cháu xin trân thành cảm ơn 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

 

Do vậy người công nhân kia bị tai nạn trong quá trình làm việc, bị ngã là do bất ngờ, không ai lường trước được. Theo thông tin bạn cung cấp thì chưa xác định được lỗi của người lái máy cẩu đối với việc anh công nhân bị ngã, do đó, nếu hoàn toàn không có lỗi thì người lái máy cẩu sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường.

 

Tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

 

“Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

 

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

 

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

 

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

 

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

 

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

 

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

 

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

 

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

 

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

…”

 

Như vậy, người sử dụng lao động sẽ có trách nhiệm theo quy định trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tai nạn lao động, ai bồi thường?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv Nguyễn Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169