Tách khẩu khi không có sự đồng ý của con và việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất?

Tôi tên là P, người con thứ 7 trong gia đình. Gia đình tôi có 9 người con. Cha mẹ ruột tôi là chủ hộ căn nhà chúng tôi đang ở. Các nhân khẩu gồm cha tôi, mẹ tôi, tôi và em trai thứ 9. Cách đây 5 năm cha mẹ ruột của tôi đã chủ động cắt hộ khẩu của tôi và em trai thứ 9 ra khỏi hộ khẩu của gia đình và không nhập hộ khẩu của hai chúng tôi vào nơi nào khác

 

 Sau đó tôi được biết là do anh trai cả của tôi xúi giục cha mẹ tôi làm như vậy. UBND tại nơi tôi cư trú cũng đã thực hiện việc tách hộ khẩu của tôi và em trai thứ 9 ra khỏi hộ khẩu gia đình tôi mà không hề thông báo cho chúng tôi được biết. Sau đó chúng tôi bị cha mẹ đuổi ra phần đất kế bên căn nhà chúng tôi đang ở và tự sinh sống đến nay. Trong khoảng thời gian đó tôi có đi lại giữa TP. HCM và tỉnh nhà nhiều lần nhưng không hề rời khỏi nơi cư trú quá 6 tháng. Trung bình cách 2 tuần (hoặc 15 ngày, tối đa là 1 tháng) tôi lại trở về nơi ở. Em trai thứ 9 của tôi thì vẫn sống tại nơi cũ và không hề di dời sang nơi ở mới

 

.Xin hỏi luật sư cha mẹ chúng tôi và cán bộ UBND xã làm như vậy có đúng luật hay không và nếu sai thì chúng tôi có quyền đòi bồi thường như thế nào hoặc chúng tôi cần làm những thủ tục pháp lý nào để thưa kiện cũng như sẽ liên hệ với cơ quan nào và cần những giấy tờ và thủ tục nào?Diễn biến sự việc sau đó là cách đây một tuần anh trai cả của tôi đã yêu cầu cha mẹ tôi làm giấy cho tặng bất động sản (cụ thể là 2000m2 đất) cho anh trai cả của tôi. Cha mẹ tôi đã đến UBND xã nơi tôi cư trú làm thủ tục giấy tờ cho tặng và đã sang tên cho anh trai cả của tôi phần đất nêu trên. Trước khi diễn ra quá trình này thì tôi, em trai thứ 9 và người chị thứ 4 đã nhận được giấy triệu tập của UBND đến làm chứng về việc cho tặng nhưng tôi và em trai thứ 9 không có mặt. Hiện tại mọi thủ tục giấy tờ đã hoàn chỉnh và chờ bộ phận địa chính đến nhà để tiến hành đo đạc. Xin hỏi luật sư trong trường hợp này thì tôi và/hoặc em trai thứ 9 của tôi có thể khởi kiện tranh chấp đất nêu trên không? Nếu chúng tôi có tên trong sổ hộ khẩu gia đình thì chúng tôi có quyền không đồng ý cho cha mẹ tôi làm giấy cho tặng cho anh trai cả của tôi không? Xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

-Thứ nhất, liên quan tới việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất:

 

Do thông tin bạn chưa cụ thể liên quan tới quyền sử dụng đất trong gia đình bạn là đứng tên hộ gia đình hay cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chia làm các trường hợp cụ thể để bạn xác định gia đình bạn thuộc trường hợp nào và hướng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.

 

+Trường hợp, quyền sử dụng đất là 2000m2 là tài sản chung của bố, mẹ bạn thì đương nhiên bố, mẹ có quyền định đoạt cho tặng người anh trai cả của bạn mà không cần tới sự đồng ý của những thành viên khác trong gia đình( tức 8 người con còn lại). Cụ thể, theo Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định :

 

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

 

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

 

b) Đất không có tranh chấp;

 

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

 

+Trường hợp 2, nếu quyền sử dụng đứng tên hộ gia đình thì khi thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán, tặng cho nào thì bắt buộc phải có sự đồng ý của các thành viên còn lại trong gia đình thì những giao dịch đó mới có giá trị pháp lý. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật dân sự định đoạt tài sản chung của hộ gia đình.

 

Điều 107. Đại diện của hộ gia đình

 

1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.

Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.

 

2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.

 

Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình

 

Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

 

Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

 

1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

 

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

 

Như vậy, theo như trường hợp trên bố, mẹ bạn chỉ là người đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ không có toàn quyền quyết định. Vậy nên, nếu bố, mẹ bạn làm thủ tục chuyển nhượng đất sang cho người con trai cả mà một trong số các thành viên khác trong gia đình không đồng ý thì giao dịch đó sẽ được xác định là vô hiệu, không thực hiện được. Trong trường hợp của bạn, đã hoàn tất thủ tục tặng cho  chỉ chờ cán bộ địa chính xã xuống đo đạc thì bạn có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đó đi.

 

-Thứ hai, liên quan tới việc tách, nhập khẩu của bạn.

 

Theo quy định của Luật cư trú sửa đổi, bổ sung 2013 về điều kiện tách khẩu. Cụ thể:

 

Điều 27. Tách sổ hộ khẩu
 

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
 

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
 

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
 

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

 

Như vậy, theo quy định trên thì điều kiện tách khẩu là người tách khẩu có nhu cầu. Nhưng trong trường hợp của bạn là người bị tách ra trong khi không có nhu cầu tách. Đồng thời, khi làm thủ tục tách cơ quan có thẩm quyền cũng xem xét rõ tính hợp pháp của hồ sơ nên bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại chính người đã ra quyết định tách khẩu của bạn lên cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, yêu cầu hủy văn bản tách khẩu và tiến hành nhập khẩu lại cho bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tách khẩu khi không có sự đồng ý của con và việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169