Sử dụng tên giả để vay tiền có vi phạm pháp luật không?
Câu hỏi: Luật sư cho tôi hỏi trường hợp, Ông T có cho vay lấy lãi 10%/1 tháng. T biết mình làm cái này đã là sai phạm. Nhưng người vay lại làm giấy tờ giả. Lấy tên 1 người khác để lừa ông T cho vay. Đến nay khi ông T muốn được tất toán khoản tiền vay thì trì hoãn không muốn trả. Người đó đã mạo danh lấy tiền từ năm 2018 đến nay. Mình muốn hỏi nếu như vậy kiện tội danh lừa đảo được không? Ông T có bị quy kết cho vay nặng lãi không?
Trả lời tư vấn:
Chào anh, cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của anh chúng tôi đã tư vấn như sau:
Việc vay tài sản (tiền) là sự thỏa thuận giữa các bên về giá trị tài sản, hạn trả, phần lãi. Sau khi ký hợp đồng và chuyển tài sản thì người vay có nghĩa vụ theo hợp đồng là trả tiền vay và lãi (nếu có) theo thỏa thuân trong hợp đồng. Nghĩa vụ trả nợ thuộc về người vay trên thực tế.
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Hai bên có làm giấy tờ cho vay tuy nhiên người vay nợ lại dùng tên, giấy tờ mạo danh người khác để đi vay. Trong trường hợp này người vay đã sử dụng thông tin sai sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm lừa dối người khác cho mình vay tiền, đến hạn không chịu thanh toán trả nợ.
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”
Trong trường hợp anh không thể thỏa thuận cách giải quyết với bên vay thì ông T có quyền trình báo cơ quan công an quận, huyện để giải quyết vụ việc. ông T nộp các chứng cứ kèm theo về hợp đồng vay, các giấy tờ mạo danh, thông tin cá nhân chính người vay. Khi nhận thấy dấu hiệu của tội phạm cụ thể theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công an sẽ tiến hành tìm chứng cứ và khởi tố.
Tuy nhiên, trong trường hợp này ông T đã cho vay 10%/tháng tức là 120%/năm vượt quá mức cho phép theo quy định của pháp luật.
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Xét theo khoản thu lợi bất chính ông T đã nhận được mà vượt quá 30.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính hay từng bị kết án về tội này thì có thể sẽ bị chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt có thể là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữa đến 03 năm.
Do đó, khi ông T trình báo về hành vi của người vay có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu đòi lại phần tài sản của mình thì có thể ông T sẽ phải đối mặt với nguy cơ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất