Đinh Ngọc Huyền

Sơ yếu lý lịch là gì? Thủ tục xin lý lịch thế nào?

Sơ yếu lý lịch là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ xin việc của ứng viên, cung cấp đến nhà tuyển dụng những thông tin cơ bản nhất về ứng viên đó, làm căn cứ xem xét và ra quyết định có tuyển dụng hay không. Vậy sơ yếu lý lịch là gì? Thủ tục xin lý lịch thế nào? Luật Minh Gia xin được tư vấn như sau.

1. Sơ yếu lý lịch là gì?

Sơ yếu lý lịch (SYLL) hay sơ yếu lý lịch tự thuật là tờ khai tổng quan những thông tin liên quan đến ứng viên xin việc, bao gồm thông tin cá nhân và thông tin nhân thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị em…) của ứng viên đó; thường được dùng để hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc hay làm các thủ tục hành chính liên quan.

Trên thực tế, không ít cá nhân khi xin việc nhầm lẫn SYLL và CV là 1; nhưng tuy nhiên thì 2 loại giấy tờ này là hoàn toàn khác nhau. Nếu CV chỉ cung cấp thông tin của ứng viên thì SYLL lại mang tính chất tổng quan hơn, bao gồm thông tin của ứng viên và những thành viên trong gia đình.

2. Nội dung của sơ yếu lý lịch

Một mẫu sơ yếu lý lịch tự thuật chuẩn sẽ bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

+ Ảnh 4x6 chụp chân dung của người làm đơn, có đóng dấu giáp lai của cơ quan xác nhận lý lịch;

+ Thông tin cá nhân: họ tên, giới tính, năm sinh, nguyên quán, hộ khẩu thường trú, số CMND, dân tộc, trình độ văn hóa, ngày vào Đoàn - Đảng…;

+ Quan hệ gia đình: họ tên, năm sinh, chỗ ở, nghề nghiệp của bố, mẹ, vợ/ chồng, anh-chị-em ruột…;

+ Quá trình học tập - làm việc của người làm đơn: thời gian, địa điểm nơi công tác; chức vụ

+ Khen thưởng - kỷ luật;

+ Lời cam đoan;

+ Chữ ký và xác nhận đóng dấu của địa phương.

3. Thủ tục xin chứng thực sơ yếu lý lịch:

*  Thẩm quyền chứng thực sơ yếu lý lịch:

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP năm 2020: Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP năm 2015 được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân, cụ thể:

- Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu.

- Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

- Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.

Điều này có nghĩa người thực hiện chứng thực chỉ chứng nhận chữ ký trên Sơ yếu lý lịch là của người yêu cầu chứng thực, còn không chịu trách nhiệm về nội dung trên Sơ yếu lý lịch.

Vì vậy, người có yêu cầu chứng thực có thể lựa chọn những nơi sau để yêu cầu chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch theo quy định về thẩm quyền chứng thực chữ ký tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP năm 2015:

- UBND cấp xã/phường/thị trấn (không bắt buộc phải là UBND cấp xã/phường/thị trấn nơi có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú);

- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Phòng công chứng/Văn phòng công chứng;

- Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với người đang ở nước ngoài).

* Thủ tục chứng thực/ công chứng sơ yếu lý lịch:

- Thủ tục chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

Thủ tục chứng thực chữ ký tại Điều 24 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP năm 2015 với cách thức thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1:  Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

- Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.

Bước 2: Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:

 - Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;

- Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

- Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Khi tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, người tiếp nhận hồ sơ (công chức của Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Người tiếp nhận hồ sơ phải bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có năng lực hành vi dân sự, tự nguyện giao kết hợp đồng, giao dịch (Điều 8 Thông tư 01/2020/TT-BTP năm 2020).

* Thời hạn giải quyết:

Trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ. Trường hợp trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo thì phải có phiếu hẹn ghi rõ giờ, ngày trả kết quả (điều 7 Nghị định 23/2015/NĐ-CP năm 2015).

* Phí chứng thực chữ ký:

Mức phí này được quy định tại Điều 4 Thông tư số 226/2016/TT-BTC năm 2016 là 10.000 đồng/trường hợp (một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo