Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Sơ suất làm mất tiền của trường học phải bồi thường thế nào?

Luật sư tư vấn về việc kế toán trường học làm mất tiền trong két thì phải bồi thường và bị xử lý như thế nào? Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư, Em có sự cố xảy ra trong công việc xin nhờ luật sư tư vấn. Em làm việc thu ngân tại trường học, tuy em không phải kế toán, nhưng em được bố trí công việc thu học phí, và được ký hợp đồng 6 tháng. Trong thời gian làm việc, em đã làm thất thoát của trường 33 triệu đồng, vì bị mất, khi nhà trường nghi ngờ em đã thụt két, em đã xin được mời công an điều tra, nhưng Nhà trường không chịu và cho em ngừng việc và buộc phải bồi thường số tiền trên. Em đã đề đơn ra công an phường và họ đã đến làm việc, nhưng Nhà trường không chịu hợp tác. Sau 4 ngày, công an có mời em đến phường gặp đại diện trường, sau một hồi buộc tội, em vẫn xin được minh oan bằng cơ quan cao hơn. Thì họ lập cho em biên bản họp, rằng em phải chịu bồi thường số tiền trên. Em cũng chấp nhận trả, nhưng xin cho em trở lại trường làm việc để trả dần, vì hiện tại em không thể trả 1 lúc. Nhưng nhà trường không chịu, và vẫn cho em ngừng việc đến hôm nay, lương tháng 10 em không được nhận. Em xin hỏi, nhà trường cho em ngừng việc mà không cho quyết định thôi việc như vậy có đúng không, họ không trả lương cho em như vậy có đúng không. Em không có tội thụt két mà em bị mất cắp thì hình thức kỷ luật của trường có đúng không, em cũng không có biên bản kỷ luật. Em muốn thưa kiện có đúng pháp luật không. Xin luật sư cho em biết giờ em nên làm gì để lấy lại tiền lương và công việc. Em xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi cầu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 129. Tạm đình chỉ công việc - Bộ luật lao động 2012 quy định: 

"1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc."

 

Trong trường hợp vụ việc vi phạm phức tạp, nếu bạn tiếp tục làm việc thì sẽ gây khó khăn cho quá trình xác minh sự việc thì đơn vị có quyền tạm đình chỉ công việc của bạn trong thời hạn 15 ngày hoặc được gia hạn tối đa không quá 90 ngày. Trong thời gian này, bạn vẫn được ứng trước 50% tiền lương. 

 

Điều 130. Bồi thường thiệt hại

"1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường."

 

Để yêu cầu bồi thường trong trường hợp này, đơn vị cần chứng minh được yếu tố lỗi của bạn để dẫn đến việc mất cắp số tiền 33 triệu đồng. Trường hợp số tiền này được giao cho bạn quản lý mà do bạn thiếu trách nhiệm, sơ suất dẫn đến người khác trộm cắp số tiền này thì bạn sẽ phải bồi thường toàn bộ số tiền này cho đơn vị. Sau khi tìm được người đã trộm số tiền này thì bạn sẽ yêu cầu người này bồi thường lại. 

 

Về việc xử lý kỷ luật đối với hành vi làm mất mát tài sản thì việc xử lý kỷ luật phải tuân thủ theo trình tự thủ tục được quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động 2012 như sau: 

 

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

"1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

...."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Sơ suất làm mất tiền của trường học phải bồi thường thế nào? . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn