Lại Thị Nhật Lệ

Sổ hộ nghèo là gì? Hộ nghèo được hưởng những quyền lợi gì?

Ngày nay, trong xu thế phát triển của kinh tế xã hội thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Việt Nam đã giảm đi một cách rõ rệt. Đời sống của người dân, đặc biệt là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao đã được cải thiện theo hướng tốt lên. Đạt được những thành tựu như trên xuất phát từ chính sách ưu đãi của Đảng và nhà nước giành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vậy sổ hộ nghèo là gì? Hộ nghèo được hưởng những quyền lợi gì? Hãy tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia.

1. Điều kiện xác định hộ nghèo

Theo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì tiêu chí để xác định hộ nghèo được thực hiện như sau :

- Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;

+ Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Ngoài ra còn áp dụng thêm các tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản

- Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin;

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

2. Những chính sách ưu đãi cho hộ nghèo

* Chính sách xây dựng nhà ở

Theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg hộ nghèo, hộ cận nghèo phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau thì được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở:

- Là hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú trên địa bàn huyện nghèo, được xác định tiêu chí nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định số 90/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định số 90/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm.

- Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở.

- Hộ chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác.

- Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: Bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại. Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 10 năm trở lên tính đến thời điểm Quyết định số 90/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

* Chính sách hỗ trợ vay vốn:

Theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP về chính sách tín dụng đối với người nghèo thì chính sách ưu đãi vay vốn được áp dụng như sau:

- Đối với hộ nghèo; hộ sản xuất kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để :

+ Mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;

+ Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập.

- Đối với các tổ chức kinh tế thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để chi phí cho sản xuất, kinh doanh theo chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sử dụng vốn vay để mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường.

- Người vay là đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, sử dụng vốn vay để trả phí đào tạo, phí dịch vụ, tiền đặt cọc, vé máy bay.

- Người vay là các đối tượng khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi được sử dụng theo các mục đích do bên ủy thác yêu cầu và được ghi trong hợp đồng ủy thác.

* Chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo

Theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP về quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo là đối tượng được hưởng các chính sách về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Mức hưởng hỗ trợ áp dụng cho từng đối tượng.

Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch giảm thiểu tối đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước. Đảng và nhà nước ta còn có những chính sách khác như hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo học nghề, tạo công ăn việc làm. Các chính sách ưu đãi khi thực hiện khám chữ bệnh, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo ăn tết,…Các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cơ bản phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho công tác xóa đói – giảm nghèo và hướng tới việc cân bằng thu nhập tại các địa phương trên cả nước.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn