Trần Tuấn Hùng

Sau khi nghỉ việc có phải bồi thường thiệt hại cho công ty không?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư.Mình từng là 1 nhân viên kỹ thuật của 1 công ty màn hình quảng cáo. Trong tháng 10 mình có đi công tác ở Hà Nội với giám đốc để lắp đặt hệ thống màn hình cho 1 khách hàng.

Khi ra đến chỏi lắp đặt, 1 kiện gỗ màn hình bị gãy chân, khi tháo ra kiểm tra thì kiện đó 2 màn hình bị hỏng (theo như nhà sản xuất thì vẫn có thể sửa được). Nhưng trong quá trình tháo màn hình kiểm tra thì em có vô tình làm cho màn hình đó bị vỡ (không thể sửa được). Đến hết tháng 12 thì em nghỉ việc. Đến cuối tháng 1 thì nhận được thông báo bồi thường 50% giá trị của màn hình đó. Như vậy thì mình nên phải xử lý như thế nào ạ.Nói thêm là màn hình đó bao gồm 2 phần là khung+bảng mạch và tấm đèn màn hình. Ở đây thì mình làm vỡ tấm đèn, có nghĩa là khi trả về hãng thì chỉ cần thay tấm đèn đó thôi ạ, chứ không phải thay toàn bộ. Nhờ luật sư hỗ trợ giúp ạ. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại khoản 1 Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 quy định về bồi thường thiệt hại:

 

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

 

Và Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 

Bạn gây ra thiệt hại cho công ty trong quá trình làm việc, do vậy bạn có trách nhiệm bồi thường cho công ty. Theo quy định, bạn phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại, mức bồi thường có thể được thỏa thuận giữa các bên, vì vậy việc công ty yêu cầu bạn bồi thường 50% giá trị thiệt hại là phù hợp theo quy định và bạn phải bồi thường đúng theo giá trị mà công ty yêu cầu. Trong trường hợp bạn nhận thấy mức bồi thường mà công ty yêu cầu không phù hợp với thiệt hại thực tế thì bạn có quyền yêu cầu công ty xác định lại thiệt hại làm căn cứ bồi thường phù hợp.

 

Trân trọng,

P. Luật sư tư vấn lao động - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo