Sai phạm về thời gian thử việc của người sử dụng lao động
Nội dung đề nghị tư vấn 1: Tôi đang gặp trường hợp như sau mong Tổng Đài Tư Vấn Pháp luật trả lời giúp:
1. Tôi đang làm việc cho 01 công ty TNHH, tôi làm việc ở công ty từ ngày 2/5/201x, kí hợp đồng thử việc ở công ty 02 tháng nhưng hiện tại tôi đã làm việc hết tháng thứ 3 nhưng công ty không kí hợp đồng chính thức với tôi. Vậy tôi có trở thành nhân viên chính thức ở công ty không?
2. Qua tháng sau (tháng thứ 4) tôi muốn xin nghỉ việc, công ty không kí HĐ chính thức với tôi (công ty nói là tôi vẫn nằm trong trường hợp hợp thử việc) vậy tôi có cần báo trước cho công ty 30 ngày theo như luật quy định hay không?
3. Trong thời gian làm việc từ tháng thứ 2 trở đi công ty đưa ra quy định nếu không đạt doanh số công ty đưa ra sẽ bị giam 100% lương và tôi không đạt doanh số công ty đề nên bị công ty giam 1/2 số lương (vì giữa tháng thứ 2 công ty mới báo nên chỉ giam 1/2 số lương) như vậy công ty có làm đúng theo pháp luật không?
4. Tôi có nhờ 1 vài bạn đồng nghiệp hỏi thăm công ty về việc: nếu tôi nghỉ việc thì số tiền công ty giam của tôi (1/2 tháng thứ 2 và tháng thứ 3) tôi có được nhận không? thì giám đốc tôi trả lời là không Công ty làm vậy có đúng hay không?
5. Nếu tôi muốn tìm 01 đơn vị bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tôi thì tôi phải liên hệ với ban nghành, đoàn thể hay cơ quan nào?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề hết thời hạn thử việc
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động 2019 về kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Trường hợp đạt yêu cầu, phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn ký hợp đồng thử việc ở công ty 02 tháng nhưng đã làm việc hết tháng thứ 3 nhưng công ty không kí hợp đồng chính thức. Nếu phía công ty không thông báo kết quả thử việc, không ký hợp đồng lao động nhưng vẫn để người lao động tiếp tục làm việc mà không có thỏa thuận nào khác thì theo tinh thần của Án lệ số 20/2018/AL, trường hợp này vẫn được coi là đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.
Hành vi không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng ( đối với cá nhân) hoặc 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (đối với tổ chức) theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và điểm b, khoản 1, Điều 10, Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Thứ hai, về thời hạn báo trước khi không giao kết hợp đồng chính thức
Mặc dù công ty vi phạm pháp luật do không ký hợp đồng chính thức nhưng xét trên thực tế, bạn vẫn đang là người lao động của công ty và tiếp tục làm việc sau khi hết thời gian thử việc. Do vậy, khi nghỉ việc vẫn phải bảo đảm thời hạn báo trước cho người lao động.
Như vậy, đến tháng thứ 04 bạn nghỉ xin nghỉ việc, bạn có thể thông báo Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng theo quy định điểm c khoản 2 Điều 36 Bộ luật lao động 2019.
Hành vi không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc của công ty có thể bị xử phạt từ 2 triệu – 5 triệu ( mức phạt với cá nhân) và 4 triệu -10 triệu (mức phạt với tổ chức) quy định tại khoản 1 Điều 6, điểm d Khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Thứ ba, về việc giam lương của nhân viên
Về nguyên tắc trả lương, công ty có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Hiện nay không có quy định người lao động được giam lương của nhân viên.
Hành vi giam lương nhằm đảm bảo người lao động thực hiện hợp đồng lao động là hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp điều này có trong hợp đồng và người lao động đồng ý điều khoản này.
Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi giam/giữ lương của nhân viên sẽ bị phạt hành chính từ 5 – 50 triệu (mức phạt đối với cá nhân) và 10 triệu- 100 triệu (mức phạt với tổ chức) tùy vào mức độ nghiêm trọng. Đồng thời buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 6; Khoản 2 và Khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Thứ tư, về hướng giải quyết khi bị giam lương
Bạn có thể viết đơn khiếu nại gửi lên giám đốc công ty để yêu cầu công ty giải trình cụ thể về vấn đề thời gian thử việc và ký kết hợp đồng lao động, cùng với quy định pháp luật có liên quan. Nếu công ty không trả lời hoặc không có cơ sở pháp lý cụ thể thì bạn có thể gửi đơn này lên Phòng lao động thương binh và xã hội nơi bạn làm việc để yêu cầu thanh tra xuống giải quyết và lấy lại quyền lợi cho bạn.
Nội dung đề nghị tư vấn 2: Chào luật sư! Hiện tại em đang làm tại 1 trường MN công lập được 4 năm, do có việc gia đình nên em có viết đơn xin nghỉ việc. Và đơn được nộp đến BGH vào ngày 1.8.201x. Vậy trong thời gian chờ quyết định thôi việc của phòng Giáo dục để bàn giao lại công việc thì em có được tiếp tục nhận lương hay không? Vì ngành của em là chăm sóc trẻ nên em được 2 khoảng (lương cơ bản của 1 giáo viên + lương bán trú). Vậy thì em sẽ được nhận khoảng tiền nào? Còn bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp được tính như thế nào? Do nhu cầu của bản thân muốn bảo lưu sổ bảo hiểm XH đợi đến khi làm ở cơ quan khác thì tiếp tục đóng có được hay không. Xin luật sư giải đáp giúp em?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm việc tại trường MN công lập được 4 năm, do có việc gia đình nên bạn có viết đơn xin nghỉ việc.
Về vấn đề trả lương, theo nguyên tắc, trong thời gian chờ quyết định thôi việc nếu như chị vẫn tiếp tục làm việc thì vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi và chế độ của viên chức, trong đó bao gồm tiền lương và các chế độ khác. Trường hợp trong thời gian chờ quyết định thôi việc chị không tiếp tục làm việc tại cơ quan thì đương nhiên không được hưởng trợ cấp thôi việc, tiền lương và các chế độ. Đồng thời phải bồi thường cho NSDLĐ theo quy định pháp luật.
Về trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp, căn cứ Điều 45 Luật viên chức 2010, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 6 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019:
“1. Viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này".
Căn cứ theo quy định trên, chị có thể được hưởng trợ cấp thôi việc nếu làm việc xuyên suốt cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được hưởng nửa tháng tiền lương theo quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động 2019. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Về vấn đề BHTN, nếu đáp ứng các điều kiện tại Điều 49 Luật việc làm 2013 thì bạn sẽ được hưởng BHTN. Mức trợ cấp thất nghiệp còn tuỳ thuộc vào số năm đóng BHXH cũng như bình quân tiền lương đóng BHXH của anh.
Về sổ bảo hiểm xã hội, chị có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có việc làm mới chị có thể tiếp tục tham gia BHXH vào sổ BHXH đã có.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất