LS Vy Huyền

Sai phạm trong việc ký kết hợp đồng lao động

Trên thực tế, có rất nhiều công ty tuyển dụng lao động nhưng lại không ký hợp đồng lao động để trốn tránh một số trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến quyền lợi của người lao động. Trong tình huống này, đa phần người lao động đều không biết phải xử lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.

Câu hỏi tư vấn: Dạ cho tôi hỏi. Tôi đang làm việc cho một công ty, thời hạn đã gần một năm rồi công ty vẫn chưa ký hợp đồng. Ban đầu tôi xin vào dạy bơi và cứu hộ. Nhưng từ khi đi làm, giám đốc của tôi chưa bao giờ cho tôi làm việc gì liên quan đến chuyên ngành của mình. Ông giao cho tôi làm những công việc tôi không thành thạo, liên quan đến tiền bạc, lúc làm thủ quỹ, lúc thì kế toán cho ông, lúc thì bán hàng, trong quá trình làm việc liên quan đến những khoảng thu chi, sau khi ông tuyển được kế toán và kêu tôi bàn giao công việc, ông tính thất thoát tiền của ông lên đến 60 triệu, bởi vì không đúng chuyên ngành, trong quá trình làm việc tôi có sơ suất chi những khoảng tiền nhưng quên ghi vào sổ chi, và hiện tại tôi cũng không tìm được khoảng chi đó nằm ở đâu? 

Xin hỏi luật sư nếu vậy tôi có phải bồi thường không ạ? Mà nếu bồi thường thì tôi phải bồi thường như thế nào khi mà ông giao cho tôi những công việc không phải chuyên ngành của tôi và cũng chưa từng ký hợp đồng lao động khi tôi làm gần được một năm rồi?

Nội dung tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau:  

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã làm việc cho công ty gần 01 năm nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng lao động. Trong thời gian đó, bạn trực tiếp làm việc cho công ty, chịu giám sát, quản lý của công ty. 

Trong khi đó, Tại Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”

Do đó, dù không có hợp đồng lao động thì quan hệ giữa bạn và công ty vẫn được xác định là quan hệ lao động. 

Tại Khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định rằng: “Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”

Đồng thời, Điều 14 Luật này quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau: 

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.”

Như vậy, theo quy định này, trường hợp của bạn, công ty phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với bạn. 

Nhưng trên thực tế, giám đốc công ty không giao kết hợp đồng bằng văn bản với bạn mà chỉ thỏa thuận về công việc thông qua lời nói nên hành vi này là vi phạm quy định pháp luật. 

Ngoài ra, theo thỏa thuận, anh làm công việc dạy bơi và cứu hộ. Tuy nhiên, đến khi đi làm, giám đốc công ty chuyển bạn sang làm công việc khác so với thỏa thuận. Mà, theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, khi chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá thời gian 60 ngày thì bắt buộc phải có văn bản đồng ý của người lao động. 

Vì vậy, việc công ty tự ý chuyển bạn sang làm công việc khác so với thỏa thuận là không đúng với quy định của luật. 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, khi anh gây thiệt hại đến tài sản của công ty thì phải bồi thường. 

Việc anh được sắp xếp công việc không đúng chuyên ngành nên gây ra thiệt hại không được coi là lý do miễn trừ trách nhiệm này nhưng có thể được cân nhắc để giảm mức bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, tại nội dung anh trình bày, anh cũng đã thừa nhận việc thất thoát tài sản cá nhân là do lỗi sơ suất của bản thân khi không ghi lại những khoản đã chi. 

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 130 Bộ luật này cũng quy định thêm: “Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.”

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của mình anh hoàn toàn có thể làm đơn gửi đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi công ty đặt trụ sở chính để trình bày về hành vi vi phạm của công ty và đề nghị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. 

Kèm theo đơn, anh nên cung cấp một số chứng cứ chứng minh quá trình làm việc của anh tại công ty trong gần 01 năm. 

Trân trọng!

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169