Đinh Ngọc Huyền

Rừng phòng hộ là gì? Đặc điểm của rừng phòng hộ?

Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái rừng tương đối đa dạng, phong phú. Rừng là loại tài nguyên có thể tái tạo và là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái. Hệ sinh thái rừng chiếm khoảng 40% diện tích mặt đất, tương đương với 53 triệu km2 và tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau. Dựa vào mục đích sử dụng, rừng phòng hộ là 1 trong 3 loại rừng chủ yếu. Vậy rừng phòng hộ là gì? Đặc điểm của rừng phòng hộ là gì? Nếu như bạn đang có nhu cầu muốn tìm hiểu về vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của Luật Minh Gia.

1. Rừng phòng hộ là gì?

Căn cứ theo khoản 1 điều 5 Luật Lâm nghiệp năm 2017, dựa vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại như sau:

- Rừng đặc dụng;

- Rừng phòng hộ;

- Rừng sản xuất.

Theo quy định tại khoản 3 Điều này, rừng phòng hộ được quy định:

Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng...

2. Đặc điểm của rừng phòng hộ theo phân loại

Theo quy định của khoản 3 điều 5 Luật Lâm nghiệp năm 2017, Rừng phòng hộ được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:

- Rừng phòng hộ đầu nguồn:

Đây là những diện tích rừng thường tập trung ở thượng nguồn các dòng sông. Nó có tác dụng điều tiết nguồn nước để hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho các dòng chảy và hồ trong mùa khô, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất, hạn chế bồi lấp các lòng sông, hồ…

- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay:

Loại rừng này có tác dụng chủ yếu là phòng hộ nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, các khu đô thị, các vùng sản xuất và các công trình khác. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay thường tập trung ở ven biển.

- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển:

Đây là loại rừng mọc tự nhiên hoặc được gây trồng ở cửa các dòng sông và được sử dụng chủ yếu để ngăn sóng, bảo vệ các công trình ven biển, cố định bùn cát lắng động để hình thành các vùng đất mới.

 Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường:

Đây là các dải rừng đã và đang được trồng xung quanh các khu dân cư, các khu công nghiệp, các đô thị lớn với chức năng chính là điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái ở những khu vực đó và kết hợp phục vụ nghỉ ngơi, du lịch.

3. Quy định của pháp luật về tổ chức quản lý rừng phòng hộ

* Thẩm quyền thành lập khu rừng phòng hộ

Điều 25 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định về thẩm quyền thành lập khu rừng phòng hộ như sau:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ có tầm quan trọng quốc gia hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ tại địa phương không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

- Việc thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng

* Tổ chức quản lý rừng phòng hộ:

 Tổ chức quản lý rừng phòng hộ được quy định:

- Thành lập ban quản lý rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới có diện tích tập trung từ 5.000 ha trở lên hoặc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 3.000 ha trở lên;

- Các khu rừng phòng hộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì giao cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang trên địa bàn để quản lý.

- Việc tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng

(khoản 2 điều 26 Luật Lâm nghiệp năm 2017)

4. Quy định về phát triển rừng phòng hộ

Việc phát triển rừng phòng hộ được quy định tại điều 47 Luật Lâm nghiệp năm 2017 như sau:

- Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, phải được xây dựng thành rừng tập trung, liền vùng, duy trì và hình thành cấu trúc rừng bảo đảm chức năng phòng hộ.

- Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, thực hiện các hoạt động sau đây:

- Bảo vệ, kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng;

- Trồng rừng ở nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.

- Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, thực hiện các hoạt động sau đây:

+ Thiết lập đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng vùng;

+ Áp dụng biện pháp trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169