Ranh giới với thửa đất liền kề được xác định như thế nào?
1. Luật sư tư vấn Luật Đất đai
Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ. Tuy nhiên, hiện nay người sử dụng đất thường gặp lúng túng và phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến vấn đề các vấn đề như:
- Xác định ranh giới, mốc giới thửa đất;
- Thỏa thuận về ranh giới thửa đất;
- Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về ranh giới, mốc giới thửa đất;
- Phương thức giải quyết tranh chấp,…
Vì vậy, nếu bạn đang gặp phải những vướng mắc liên quan đến vấn đề này mà không có phương án giải quyết, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tư vấn về tranh chấp ranh giới, mốc giới thửa đất
Nội dung tư vấn: Nhà em và nhà bên cạnh đang có tranh chấp đất đai cụ thể như sau ạ xin ls tư vấn giúp e. Trước đây khoảng năm 1999 nhà e và nhà bên cạnh do nền đất nhà họ cao hơn nhà e nên nhà e có đào một cái rãnh thoát nước ở phần đất nhà mình để ngăn nước nhà họ chảy xuống. Sau đó một tg nhà họ có xây tường do đất họ cao khó đào móng. Nhà e có cho nhà họ làm móng ở rãnh nước từ khoảng năm 2004. Năm 2018 bên địa chính có đến đo đạc phần đất của 2 nhà và vẽ vạch sơn làm mốc từ mặt tường nhà họ. Sau khi đo xong đến nay e có làm cổng và đổ phần bê tông giáp mặt tường nhà họ thì họ nói nhà họ còn 20cm móng bên nhà e và họ gửi đơn kiện nhà e lấn chiếm. Theo như e tham khảo tại điều 1 khoản 12 luật đất đai năm 2013 thì phần móng đó sau khi đo địa chính năm 2018 tính từ vạch sơn trên tường thì phần móng đó là thuộc qsd đất của nhà e. Giờ nhà họ gửi đơn kiện bắt nhà e phá tường và cổng đè lên móng nhà họ. Xin ls cho e biết như vậy là nhà họ sai hay nhà em ạ. Xin cảm ơn ls đã tư vấn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Gia đình bạn và người hàng xóm đang có tranh chấp với nhau về ranh giới sử dụng đất. Để xác định được tranh chấp này cũng như đảm bảo quyền và lợi ích giữa các bên thì bạn có thể yêu cầu trích lục hồ sơ địa chính để xem xét về ranh giới sử dụng đất giữa các bên bởi theo quy định tại Điều 7 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ địa chính là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất:
“Điều 7. Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính
1. Hồ sơ địa chính làm cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.
2. Hồ sơ địa chính dạng giấy, dạng số đều có giá trị pháp lý như nhau.
3. Trường hợp có sự không thống nhất thông tin giữa các tài liệu của hồ sơ địa chính thì phải thực hiện kiểm tra, đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký để xác định thông tin có giá trị pháp lý làm cơ sở chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính.
4. Trường hợp thành lập bản đồ địa chính mới thay thế tài liệu, số liệu đo đạc đã sử dụng để đăng ký trước đây thì xác định giá trị pháp lý của thông tin như sau:
a) Trường hợp đã cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định giá trị pháp lý thông tin theo kết quả cấp đổi Giấy chứng nhận;
b) Trường hợp chưa cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định như sau:
- Các thông tin về người sử dụng đất, thông tin về quyền sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không thể hiện thông tin thì xác định theo sổ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
- Các thông tin về đường ranh giới (hình thể, kích thước cạnh thửa, tọa độ đỉnh thửa), diện tích của thửa đất được xác định theo bản đồ địa chính mới; trường hợp đường ranh giới thực tế của thửa đất trên bản đồ địa chính mới đã có biến động so với ranh giới thể hiện trên Giấy chứng nhận đã cấp thì thông tin pháp lý về đường ranh giới và diện tích sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp.”
Vì năm 2018 bên địa chính có đến đo đạc lại phần đất của gia đình bạn và gia đình hàng xóm, nếu việc đo đạc này không ghi nhận có sự thay đổi nào so với trước đây và diện tích sử dụng đất của gia đình bạn được ghi nhận đến sát vách tường nhà hàng xóm thì việc bạn xây cổng và đổ bê tông trong phạm vi bạn được sử dụng là không trái quy định của pháp luật. Trường hợp có sự thay đổi về diện tích sử dụng và các bên đều đã được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính mới thì mới xác định ranh giới giữa hai thửa đất theo kết quả cấp đổi Giấy chứng nhận, tức là ranh giới thửa đất được xác định theo hồ sơ địa chính mới của địa phương, nếu chưa được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới thì nếu có sự biến động về ranh giới, diện tích thửa đất so với Giấy chứng nhận đã cấp thì thông tin pháp lý về ranh giới và diện tích sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp. Tuy nhiên, để xác định có hành vi lấn chiếm đất đai hay không, ngoài việc xác định dựa trên hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… thì cơ quan giải quyết tranh chấp còn phải thực hiện việc đo đạc trên thực tế về phần diện tích sử dụng giữa hai bên và những chứng cứ khác về phạm vi và ranh giới sử dụng đất giữa các bên.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất