Trần Tuấn Hùng

Quyết định nghỉ việc là gì? Ra quyết định cho nhân viên nghỉ việc thế nào?

Trong bối cảnh hiện nay, việc người lao động nghỉ việc diễn ra ngày càng phổ biến tại các doanh nghiệp, công ty hay tổ chức, đơn vị khác. Theo đó khi người lao động nghỉ thì phía người sử dụng lao động sẽ phải ban hành quyết định nghỉ việc và giải quyết các chế độ, quyền lợi cho người lao động khi nghỉ việc. Vậy quyết định nghỉ việc là gì? Người sử dụng lao động ban hành quyết định cho nhân viên nghỉ việc thế nào cho đúng theo quy định?

1. Quyết định nghỉ việc là gì?

Quyết định nghỉ việc hay quyết định thôi việc là hành vi pháp lý của người sử dụng lao động thực hiện để nhằm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động thông qua một văn bản có giá trị pháp lý. Hay nói cách khác, quyết định nghỉ việc là văn bản được các công ty, doanh nghiệp lập ra về việc cho cán bộ, nhân viên của mình nghỉ việc theo đúng thủ tục trong hợp đồng lao động đã ký kết trước đó và đúng với quy định của pháp luật.

Quyết định nghỉ việc, cho thôi việc hay chấm dứt hợp đồng lao động hiện nay được điều chỉnh và áp dụng theo các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

2. Giải quyết tình huống cụ thể

Nội dung câu hỏi: Thưa luật sư Nhân viên công ty tôi ký hợp đồng lao động 1 năm kể từ 1-8-2022 hết 30-7-2023. Nhân viên gửi đơn xin nghỉ ngày 15-09 và xin chấm dứt hợp đồng kể từ 15-10-2022. Tuy nhiên đến 01-10-2022 thì nhân viên không đến làm việc. Sau đó thì nhân viên nghỉ luôn. Hiện công ty có yêu cầu đến bàn giao công việc nhưng nhân viên không bàn giao được vì ko còn giữ lại giấy tờ và tài liệu liên quan. Hiện công ty vẫn đang giữ lương của nhân viên đến hết ngày 30-09-2022. Công ty tôi muốn ra quyết định nghỉ việc đúng luật với nhân viên. Vậy chúng tôi cần ra quyết định như thế nào?

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, cho nghỉ việc/thôi việc hay chấm dứt hợp đồng lao động được hiểu là người sử dụng lao động sử dụng quyền này theo yêu cầu của người lao động hoặc tự mình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 thì chấm dứt hợp đồng lao động chỉ xảy ra trong các trường hợp sau:

“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.

12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.”.

Như vậy, để đưa ra quyết định nghỉ việc hay chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật thì trước hết phải thỏa mãn được một trong các trường hợp trên. Tuy nhiên, cũng phải cần lưu ý đến những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019 như: Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Khi rơi vào các trường hợp này, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng thời hạn quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài ra, nếu người lao động đáp ứng đủ điều kiện nhận trợ cấp thôi việc theo Điều 46 hoặc trợ cấp mất việc làm theo Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả trợ cấp đối với các khoản này cho người lao động.

Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể mà việc áp dụng pháp luật lao động để chấm dứt hợp đồng lao động, cho thôi việc, nghỉ việc có sự khác nhau. Theo thông tin ban đầu mà anh/chị cung cấp, Luật Minh Gia xin đưa ra định hướng giải quyết trường hợp này như sau:

Trước hết, đây là loại hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, do đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động phải thông báo trước cho người sử dụng lao động về việc đơn phương chấm dứt hợp động trước ít nhất 30 ngày. Trong trường hợp này, do không đầy đủ thông tin lý do người lao động nghỉ việc nên chúng tôi sẽ tư vấn dựa trên quy định của pháp luật về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp “người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên”. Cũng tại khoản 3 của điều này có quy định, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động. Như vậy, theo quy định của pháp luật, công ty anh/chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần thông báo trước cho người lao động. Trong trường hợp này, người lao động không đáp ứng được các điều kiện về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc nên công ty anh/chị không có nghĩa vụ đối với người lao động về các khoản tiền này. Tuy nhiên, công ty anh chị phải có trách nhiệm thanh toán tiền lương tương ứng với khoảng thời gian mà người lao động đã làm việc. Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại các giấy tờ khác nếu đang còn giữ của người lao động.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo