Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức
1. Luật sư tư vấn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức
Pháp luật viên chức hiện hành quy định cụ thể về các điều kiện để viên chức được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và các chế độ, quyền lợi được hưởng sau khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi viên chức nghỉ việc một số cơ quan, đơn vị không chi trả hoặc chi trả không đúng các chế độ, quyền lợi mà viên chức được hưởng. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của viên chức khi nghỉ việc.
Do đó, nếu bạn hoặc người thân của mình gặp phải vấn đề trên và chưa nắm được các quy định pháp luật thì có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được tư vấn về các vấn đề:
- Điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;
- Các chế độ người lao động được hưởng khi nghỉ việc;
- Giải quyết tranh chấp khi chấm dứt hợp đồng làm việc.
Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp vướng mắc.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.
2. Quy định pháp luật về chấm dứt hợp động lao động của viên chức
Hỏi: Năm 2005 tôi vào công tác tại trường Cao đẳng, nhiệm vụ giảng dạy, chức danh giảng viên. Năm 2010 tôi được cử đi học thạc sỹ, năm 2012 tôi về công tác tiếp tục.Khi đi học có cam kết là về làm việc thời gian gấp 3 lần thời gian đào tạo. Đến này đã thực hiện được 1/2 thời gian cam kết. Đến tháng 11/2015, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi có xin nhà trường cho tôi nghỉ việc để xin việc mới. Đầu tiên tôi gửi đơn xin nghỉ việc, và xin bồi hoàn kinh phí đào tạo. Hiệu trưởng phê vào đơn nghỉ việc là: "không giải quyết nguyên vọng theo đơn". Tôi tiếp tục gửi 1 thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo luật Viên chức 2010 với lý do gia đình khó khăn (đến nay đã 50 ngày). Trong thời gian chờ đợi tôi đã hoàn thành các công việc được giao, nhưng sau 45 ngày nhà trường trả lời nếu tôi nghỉ sẽ triệu tập, nếu triệu tập không quay lại sẽ ra quyết định kỷ luật. Và vẫn không giải quyết cho nghỉ việc. Khi tôi làm việc trực tiếp với lãnh đạo, được trả lời rằng:- Phải chứng minh được gia đình khó khăn thì mới được nghỉ.- Nhà trường không có kinh phí hỗ trợ cho nhân viên sau khi thôi việc. Để được quyết định thôi việc, tôi làm thêm 1 đơn ngày 26.11.2015, Hoàn toàn giống nội dung đơn ban đầu và thêm phần đồng ý không nhận trợ cấp thôi viêc thì Nhà trường lại trả lời tôi vi phạm cam kết khi được cử đi đào tạo nên không ra quyết định cho nghỉ (không có quyết định này đơn vị mới không nhận tôi nên tôi không thể xin việc). Tôi xin hỏi luât sư 4 vấn đề:
1. Tôi có cần phải chứng minh hoàn cảnh thực sự khó khăn mới được nghỉ hay không, và phải chứng minh như thế nào?
2. Nếu tôi nghỉ đơn phương thì có phạm luật gì không và có được hỗ trợ nghỉ việc theo chế độ hay không?
3. Cơ quan tôi không cấp quyết định chấm dứt hợp đồng sau 45 ngày là có đúng không?
4. Làm cách nào để cơ quan cấp cho tôi quyết định chấm dứt hợp đồng? Và xin hỏi thêm nếu phía lãnh đạo sai, tôi phải khiếu nại lên cơ quan nào ạ?
Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức, Điều 29 Luật Viên chức 2010 quy định:
“4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.”
Vì bạn không đề cập đang làm việc theo loại hợp đồng nào nên chúng ta xét hai trường hợp:
- Nếu bạn làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, bạn chỉ cần thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp ít nhất 45 ngày mà không cần phải chứng minh gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
- Nếu bạn làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn thì bạn cần có một trong các căn cứ tại Khoản 5 Điều trên để đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Cụ thể bạn cần chứng minh được gia đình mình đang trong hoàn cảnh khó khăn khiến bạn không thể tiếp tục công việc. Bạn có thể xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã nơi gia đình sinh sống về hoàn cảnh khó khăn của gia đình để làm căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Trường hợp này bạn cần báo trước ít nhất 30 ngày đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp.
Thứ hai, nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo đúng quy định tại Điều 29 Luật Viên chức thì bạn không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do không thuộc trường hợp không phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư 15/2012/TT-BNV nên bạn sẽ phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật Viên chức: “Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.”
Về chế độ thôi việc, Điều 45 Luật Viên chức quy định:
“Điều 45. Chế độ thôi việc
1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.”
Như vậy, nếu bạn không vi phạm các khoản 4,5,6 Điều 29 Luật này thì bạn sẽ được hưởng chế độ thôi việc trên.
Thứ ba, nếu bạn đã chứng minh được gia đình có hoàn cảnh khó khăn dẫn đến không thể tiếp tục làm việc thì việc cơ quan không cấp quyết định cho bạn là không đúng với quy định của pháp luật. Bạn có quyền gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền hoặc tới Tòa án quận, huyện nơi cơ quan đóng trụ sở để được giải quyết.
Đối với trường hợp hợp đồng làm việc của bạn không xác định thời hạn thì sau 45 ngày bạn sẽ có quyền trên mà không cần chứng minh hoàn cảnh khó khăn của gia đình.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất