Luật sư Phùng Gái

Quyền của người sử dụng đất trong việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất?

Câu hỏi tư vấn: Gia đình của ngoại tôi có 10 người con, khi còn sinh thời ông ngoại tôi phân chia đất đai (tài sản thừa kế) cho tất cả các con. Trong đó, một số cậu dì không sử dụng mà chuyển nhượng phần tài sản cho người khác trong đó có một phần do các cậu chuyển lại cho mẹ tôi và thanh toán tiền sòng phẳng. Mẹ tôi, cậu năm và cậu tư của tôi ở chung khu đất và dùng chung đường đi.

 

Nhưng vì cậu năm tôi không hợp nên đã chuyển nhượng cho người ngoài. Nay chính chủ đất mới thoả thuận với cậu tư của tôi để mua lấn thêm phần đất của mẹ tôi để mở rộng đường đi, nhưng do các cậu tôi cố tình ép giá để lấy tiền riêng nên ép mẹ tôi. Mẹ tôi không đồng ý và yêu cầu thuận mua vừa bán. Thay vì đàm phán thì cậu tư tôi lại tạo hiềm khích và nhiều lần xúi giục con trai mang mã tấu ra nhà đập phá và đe doạ mẹ tôi là nếu báo công an thì sẽ giết luôn, cậu tư tôi cũng là một trong những người có học thức và tôi cũng dùng phương pháp tình nghĩa gia đình để hoà giải. Nhưng cậu tư tôi không những suy nghĩ lại mà còn tạo thêm hiềm khích. Vậy quý công ty hướng dẫn cách giải quyết đối với trường hợp của gia đình tôi? Trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì diện tích gia đình bạn hiện đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của ông, bà, do ông bà chia đất (tài sản thừa kế) và mẹ bạn bỏ tiền ra mua từ các cậu dì không có nhu cầu sử dụng. Do đó, áp dụng quy định của Luật đất đai năm 2013 để xác định quyền chuyển nhượng của người sử dụng đất. Cụ thể:

 

Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất

 

1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

 

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

 

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

 

5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

 

6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

 

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

 

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

 

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

 

2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:

 

a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

 

Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;

 

b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

...

Như vậy, nếu phần diện tích trên thuộc quyền sử dụng của mẹ bạn và đã được nhà nước công nhận thì mẹ bạn có quyền định đoạt việc chuyển nhượng, tặng cho mà không phụ thuộc vào ý chí của các thành viên khác (cậu dì). Theo đó, khi cậu tư ép mẹ bạn phải ký vào văn bản chuyển nhượng một phần diện tích để mở rộng đường đi thì mẹ bạn có quyền bán hoặc không; trường hợp mẹ bạn không đồng ý bán thì cậu tư không có quyền ép buộc và nếu người cậu tư ép buộc thì mẹ bạn vẫn có quyền của người sử dụng đất để từ chối thực hiện giao kết hợp đồng này.

 

Đối với việc người cậu xúi giục con trai mang mã tấu để đập phá nhà và đe dọa sẽ giết nếu mẹ bạn trình báo sự việc tới cơ quan công an dẫn tới việc gia đình bạn tin, lo sợ nếu làm đơn thì cậu và người con trai của cậu có thể sẽ thực hiện - tức có dấu hiệu của hành vi phạm tội. Do đó, trong trường hợp này để đảm bảo quyền lợi của gia đình (không phải chịu sức ép, đe dọa) cũng như buộc hai đối tượng trên phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình gây ra thì gia đình có thể làm đơn tố cáo gửi Cơ quan công an cấp huyện nơi bị đơn cư trú về tội đe dọa giết người theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.

 

Điều 103. Tội đe dọa giết người

 

1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

A) Đối với nhiều người;

 

B) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

 

C) Đối với trẻ em;

 

D) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền của người sử dụng đất trong việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh