LS Thanh Hương

Quy trình điều động cán bộ quy định thế nào?

Trong quá trình quản lý cán bộ, cơ quan đơn vị có thẩm quyền có thể luân chuyển, điều động cán bộ từ cơ quan, đơn vị này sang đơn vị khác để đảm bảo chất lượng của cán bộ các địa phương ngày càng được nâng cao. Khi đó, các chế độ, quyền lợi của công chức sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều trường hợp việc điều động cán bộ còn chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ nói riêng và công tác quản lý nói chung.

1. Điều động cán bộ là gì?

Tại Điều 7 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định: Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Việc điều động cán bộ phải tuân thủ các quy định của Luật cán bộ, công chức.  

2. Các trường hợp được điều động cán bộ

Căn cứ theo Điều 26 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định:

“1. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ, cán bộ được điều động, luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Việc điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”

Căn cứ Điều 28 và Điều 29 Quy định 80/QĐ-TW quy định về đối tượng, phạm vi và thẩm quyền quyết định điều động cán bộ, cụ thể như sau:

- Đối tượng: Cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

- Phạm vi: Giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

- Thẩm quyền: Theo phân cấp quản lý cán bộ.

Khi cần thiết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định điều động, biệt phái cán bộ từ nơi khác về đảm nhận các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Mục đích: Điều động cán bộ nhằm sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, góp phần khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị; bảo đảm ổn định và phát triển đội ngũ cán bộ.

Như vậy, khi so sánh với quy định cũ (Điều 22 Quy định 105/QĐ-TW năm 2017) thì trước đây mọi cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ đều là đối tượng được điều động cán bộ khi có yêu cầu công tác, đến Điều 29 Quy định 80/QĐ-TW năm 2022 đã có những thay đổi đó là chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý là đối tượng sẽ được điều động.

Việc điều động cán bộ căn cứ quy hoạch cán bộ, yêu cầu công tác, phẩm chất, năng lực, sở trường, uy tín và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ, cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý.

3. Quy trình điều động cán bộ

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Quy định 80/QĐ-TW quy định về quy trình điều động đối với cán bộ như sau:

Cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ tiến hành các bước sau:

- Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận cán bộ dự kiến điều động.

- Bước 2: (1) Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác về chủ trương điều động (người được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập; trường hợp số phiếu đạt tỉ lệ 50% (không quá bán) thì do người đứng đầu xem xét, quyết định); lấy đánh giá, nhận xét của địa phương, cơ quan, đơn vị và hồ sơ nhân sự theo quy định. (2) Gặp cán bộ để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

- Bước 3: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng yêu cầu điều động nhưng địa phương, cơ quan, đơn vị (nơi cán bộ công tác hoặc nơi tiếp nhận cán bộ) hoặc cán bộ còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ tổng hợp, báo cáo đầy đủ các ý kiến và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169