Trộm cắp tài sản là gì? Trộm cắp bao nhiêu thì cấu thành tội?
Mục lục bài viết
1. Trộm cắp tài sản là gì?
Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt. Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản so với các tội xâm phạm quyền sở hữu khác là người phạm tội có hành vi lén lút, bí mật di chuyển bất hợp pháp tài sản của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản này. “Lén lút” được xem là đặc điểm mang tính riêng biệt của tội trộm cắp tài sản.
Nếu bạn cũng đang có những vướng mắc liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản và cần được giải đáp cụ thể về hành vi vi phạm, lỗi, khung hình phạt và các quy định khác liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản hãy liên hệ Luật Minh Gia để được giải đáp ngay.
2. Cấu thành tội và khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản
Xét về mặt nguyên tắc thì những tài sản thuộc đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là vật có thực, có giá trị và đang ở trong sự chiếm hữu, quản lý của người khác. Tài sản này thông thường là những vật có thể dễ dàng di chuyển, lén lút lấy cắp như tiền, vàng, giấy tờ có giá,… Và hiển nhiên những loại tài sản như bất động sản không thể di dời như công trình kiên cố, đất đai thì không thể là đối tượng của tội phạm này.
Quan hệ sở hữu được xác lập giữa chủ tài sản, người khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản. Hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu này phải kể đến là xâm hại đến quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản. Động cơ phạm tội là vì vụ lợi, với mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác.
Người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định bị truy cứu trách nhiệm khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Người có năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức tính nguy hiểm của hành vi này và tự điều khiển hành vi của bản thân. Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm mọi tội phạm. Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 173 tội trộm cắp tài sản.
Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên dầu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Do đó, khi định tội cần phải chứng minh hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là kết quả của hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 thì tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, nếu dưới 2 triệu thì phải kèm theo 1 trong 4 dấu hiệu là: đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh; tài sản là vật kiếm sống chính của chủ sở hữu; tài sản là di vật cổ vật.
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Đối với trường hợp có hành vi trộm cắp tài sản giá trị dưới 2 triệu đồng và không thuộc dấu hiệu tại điểm a, b, c, d, đ nêu trên thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thay vào đó sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản.
Hình phạt chính của tội trộm cắp tài sản là cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Điều 173 quy định mức hình phạt tù đối với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 là từ 12 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra, hình phạt bổ sung kèm theo có thể là phạt tiền.
Luật sư tư vấn về Tội trộm cắp tài sản
3. Quy định về tội trộm cắp tài sản theo quy định cũ
Theo điều 138 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì tội trộm cắp tài sản được quy định như sau:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
A) Có tổ chức;
B) Có tính chất chuyên nghiệp;
C) Tái phạm nguy hiểm;
D) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
Đ) Hành hung để tẩu thoát;
E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
G) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Trân trọng !
P. Luật sư tranh tụng - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất