LS Nguyễn Thùy Dương

Quy định về thời hạn nghỉ việc không lương

Pháp luật lao động quy định rất rõ ràng về các quyền và nghĩa vụ khi một trong hai bên người sử dụng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy, để biết được các quyền lợi của mình, cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật.

1. Luật sư tư vấn về thời hạn nghỉ việc không lương

Khi đang trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, việc một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thường diễn ra khá phổ biến. Mặc dù vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, pháp luật quy định rất rõ về thời hạn báo trước để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, có đủ khoảng thời gian nhất định để tìm kiếm công việc mới, ổn định cuộc sống và có thu nhập.

Vấn đề nghỉ không lương cũng được người lao động và người sử dụng lao động quan tâm bởi do nguyên nhân khách quan, đột xuất, người lao động không thể đi làm việc thì giải quyết các chế độ như thế nào? Thời hạn nghỉ không lương là bao lâu?...

Nếu bạn còn đang thắc mắc về vấn đề trên, hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi có thể tư vấn, hướng dẫn và giải đáp cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn vào Email tư vấn của chúng tôi để được giải đáp cụ thể bằng văn bản tư vấn.

2. Tư vấn về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng và nghỉ việc không lương

Câu hỏi yêu cầu tư vấn:

Chào công ty. Em có một câu hỏi muốn hỏi bên mình.

Trường hợp 1:

1/ Hiện giờ em có một lao động xin nghỉ việc. Theo như luật lao động, nếu nhân viên muốn nghỉ việc thì phải thông báo tới công ty ít nhất 30 ngày hoặc 45 ngày. Nhưng nhân viên bên em thông báo trước 14 ngày tức là họ thông báo vào ngày 13/09 thì đến ngày 27/09 họ nghỉ việc. Như vậy, thì bên em phải xử lý như nào vậy ạ.

2/ Về phần bảo hiểm xã hội trường hợp này nhân viên có phải đóng hết bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm không hay bên công ty vẫn phải chi 22 % bảo hiểm cho nhân viên ạ.

Trường hợp 2: Nhân viên mà có người thân bị ốm nặng và xin nghỉ liên tục và giờ lại xin nghỉ không lương.Theo qui định bộ luật lao động thì bên em phải xử lý như nào ạ.

Em xin gửi những câu hỏi này tới công ty. Rất mong quý công ty tư vấn giúp em ạ. Em xin chân thành cảm ơn !

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trường hợp 1.

- Về thời hạn thông báo khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 quy định thời gian báo trước như sau:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Như vậy đối với các trường hợp quy định tại điểm a,b,c và g khoản 1, điều 37, Bộ luật Lao động thì người lao động phải báo trước ít nhất 3 ngày:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

Còn đối với hợp đồng xác định thời hạn thời hạn báo trước là 30, với hợp đồng không xác định thời hạn là 45 ngày.

Người lao động báo trước 14 ngày, nếu không thuộc các trường hợp tại điểm a,b,c và g khoản 1 Điều 37 thì người lao động đã vi phạm thời gian báo trước, được coi là chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Khi vi phạm về thời gian báo trước, người lao động có nghĩa vụ bồi thường cho công ty một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước theo quy định tại khoản 2 điều 43 Bộ luật lao động năm 2012:

"Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này".

- Trách nhiệm đóng bảo hiểm

Tại Khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

"Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản."

Như vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong một tháng thì tháng đó sẽ không đóng BHXH. Nếu BHXH sẽ cắt từ tháng sau và công ty thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm và trả sổ bảo hiểm cho người lao động.

Theo quy định khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau:

c) Trả sổ BHXH cho người lao động khi người đó không còn làm việc;

d) Lập hồ sơ để người lao động được cấp, đóng và hưởng BHXH.

Công ty buộc phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Khi đã chốt sổ BHXH nhưng công ty không trả sổ BHXH cho người lao động là trái với quy định của pháp luật về BHXH.

Trường hợp 2.

Theo Điều 116 Bộ luật Lao động có quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không lương như sau:

"1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương".

Theo đó, pháp luật không điều chỉnh cụ thể về thời gian nghỉ không hưởng lương, vấn đề do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.

Do vậy, nếu có sự thỏa thuận giữa người lao động và công ty thì người lao động nghỉ việc không lương là không trái pháp luật. Và Bộ luật Lao động hiện hành không quy định về thời gian tối đa nghỉ không hưởng  lương, nên công ty và người lao động nên có thỏa thuận rõ ràng về việc này để đảm bảo tiến độ công việc và quyền lợi hai bên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169