Luật sư Đào Quang Vinh

Quy định về nghỉ hàng tuần và nghỉ phép năm của người lao động

Luật sư cho em hỏi liên quan đến ngày nghỉ phép năm với: - Công ty em có 2 hệ số lương (1 là hệ số lương thực lĩnh & 1 hệ số lương làm căn cứ đóng BHXH) hệ số lương đóng BHXH được ghi trong HĐLĐ.

Công ty em vừa trả lương phép năm của người lao động 06 tháng đầu năm 2016. 1 ngày phép bằng mức lương ghi trong HĐLĐ chia cho 26. Công ty em tính như vậy có đúng không ah? theo em được biết thì phải chia cho 24. - Theo Bộ luật lao động thì Người sử dụng lao động có quyền quy định ngày nghỉ hàng năm và phải thông báo trước với người lao động và Người lao động có thể thỏa thuận với Người sử dụng lao động để nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc gộp tối đa 03 năm một lần. Nhân viên trước khi nghỉ phép phải viết đơn xin nghỉ và được lãnh đạo phê duyệt mới được nghỉ. Xong bên cạnh đó Công ty lại có Quy chế xếp loại thi đua quy định nếu nghỉ >3 ngày nghỉ phép / 1 tháng thì bị xếp loại B (bị trừ 10% lương tháng đó). Cho em hỏi như vậy có phải là Quy chế không hợp lý? - Về ngày nghỉ hàng năm, Công ty em không áp dụng mục 4, điều 111 (tính thêm thời gian cho ngày đi đường nếu số ngày cả đi và về trên 02 ngày bằng phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy). Như vậy có phải Công ty em không tuân theo luật? Em xin trân trọng cảm ơn ạ.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, công ty trả lương phép năm cho bạn có đúng hay không. Tại khoản 2, 3, 4 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định như sau:

 

“2. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

 

3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

 

a) Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;

 

b) Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.

 

4. Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều này chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.”

 

Do đó, khi tính phép năm cho người lao động thì cần căn cứ vào tiền lương mà bạn và người lao động đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nếu người lao động làm việc từ đủ 6 tháng trở lên thì tính tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước đó còn dưới 6 tháng thì tính tiền lương bình quân của toàn bộ thời gian làm việc. Tiền lương của một ngày phép năm chưa nghỉ sẽ là thì tiền lương bình quân nêu trên chia cho số ngày làm việc bình thường (theo quy định của công ty bạn) của tháng trước liền kề thời điểm tính. Công ty của bạn tính phép năm của 6 tháng đầu năm nên tiền lương phép năm bạn sẽ được nhận là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của bạn trong 6 tháng liền kề chia cho số ngày làm việc bình thường của tháng liền kề tháng mà công ty tính để trả cho bạn. Ví dụ, công ty tính lương phép năm vào tháng 7 và trong tháng 6 bạn làm việc ngày bình thường là 26 ngày thì số tiền một ngày phép bạn được nhận là bình quân lương từ tháng 1 đến tháng 6 chia cho 26 ngày. Do bạn chưa nêu rõ là ngày làm việc của tháng liền kề trước khi công ty bạn tính trả tiền phép năm nên bạn có thể tự xác định dựa vào những căn cứ đã nêu trên. Nếu bạn làm việc 26 ngày thì sẽ là tiền lương bình quân đó chia cho 26, còn nếu bạn làm việc 24 ngày thì sẽ chia cho 24.

 

Thứ hai,quy chế công ty có hợp lý không khi xếp loại thi đua khi nghỉ hơn 3 ngày nghỉ phép trên 1 tháng thì bị xếp loại B (bị trừ 10% lương tháng đó)? Quy định và bạn trích dẫn nêu trên là áp dụng với nghỉ hàng năm còn như công ty quy định là nghỉ hàng tuần hoặc hàng tháng. Tại Điều 110 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định:

 

Điều 110. Nghỉ hằng tuần

 

1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.”

 

Do đó, người lao động một tháng phải được nghỉ ít nhất 4 ngày. Công ty quy định trong quy chế như vậy là trái với quy định của pháp luật.

 

Hơn nữa, khi người lao động vi phạm nội quy của công ty thì hình thức xử lí kỉ luật sẽ là:

 

"1. Khiển trách.

 

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.

 

3. Sa thải."

 

(Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động)

 

và tại khoản 2 Điều 128 Bộ luật lao động năm 2012 quy định cấm xử lí kỉ luật lao động:

 

"2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động." 

 

Do đó, việc công ty trừ 10% lương của nhân viên nêu trên là trái với quy định của pháp luật.

 

Thứ ba, tại khoản 4 Điều 111 Bộ luật này có quy định:

 

“Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”

 

Do đó, nếu bạn nghỉ phép có thời gian đi đường cả đi cả về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm. Ví dụ như, bạn làm ở Tp. Hồ Chí Minh được nghỉ phép về quê Thái Bình (đi bằng nhiều phương tiện khác nhau) và thời gian cả đi cả về hết 5 ngày thì bạn sẽ được tính thêm 3 ngày đi đường vào thời gian nghỉ và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm. Còn nếu bạn có thời gian đi đường từ 2 ngày trở xuống thì số ngày đi đường này nằm trong ngày nghỉ đó, tức là không được tính thêm. Theo đó, nếu bạn đáp ứng được điều kiện trên mà công ty không tính cho bạn số ngày nghỉ thêm thì công ty đã có hành vi trái pháp luật và bạn có thể kiến nghị lên công ty để đòi quyền lợi cho mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định về nghỉ hàng tuần và nghỉ phép năm của người lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv. Bùi Thảo – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo