Lò Thị Loan

Quy định về lương thử việc

Thử việc là thời gian người lao động làm quen với tính chất công việc, môi trường làm việc trước khi giao kết hợp đồng chính. Tuy nhiên, trong thời gian này quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo về lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi bình đẳng như lao động chính trong đơn vị làm việc. Luật sư hỗ trợ tư vấn rõ hơn về vấn đề này.

1. Luật sư tư vấn về thời gian thử việc.

Theo quy định của luật lao động 2012, thời gian thử việc không phải là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng mà các bên có thể ký kết hợp đồng làm việc ngay mà không cần thử việc. Bên cạnh đó, kết thúc thời gian thử việc, nếu như người thử việc không đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động có quyền từ chối giao kết hợp đồng và ngược lại nếu môi trường làm viêc không phù hợp với mình thì người lao động cũng có quyền từ chối ký kết hợp đồng lao động. 

- Tư vấn về thời gian nghỉ phép năm trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động.

- Tư vấn về quyền lợi của người lao động khi có quyết định điều chuyển vị trí công việc so với hợp đồng lao động.

- Giải đáp thắc mắc về chế độ bảo hiểm, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định luật lao động và luật bảo hiểm xã hội.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống cụ thể dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.

2. Quy định về tiền lương thử việc.

Câu hỏi: Mình là sinh viên mới ra trường.Vừa vào làm văn phòng 1 công ty với thời gian thử việc 1 tháng với mức lương thử việc là 7.000.000 đồng và trong hợp đồng thử việc có nói là trong thời gian thử việc BHYT, BHXH,BHTN được tính gộp vào lương

Hết hạn thử việc nếu được nhận chính thức vào công ty sẽ được đóng BHXH,BHYT, BHTN theo quy định trên mức lương cơ bản. Vậy cho mình hỏi :

1. Trong thời gian thử việc BHYT, BHXH,BHTN được tính gộp vào lương là sao ạ.

2. Hết hạn thử việc nếu được nhận chính thức vào công ty sẽ được đóng BHXH,BHYT, BHTN theo quy định trên mức lương cơ bản thì lúc đó lương mình được khoảng bao nhiêu, có phải thấp hơn 7.000.000 đồng không ạ?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2006 (có hiệu lực đến hết 31/12/2015) có quy định:

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

Trong trường hợp của bạn, bạn ký hợp đồng thử việc nên bạn không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo quy định tại điều 26 Bộ luật lao động 2012 quy định về thử việc như sau:

Điều 26. Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Theo quy định trên nội dung của hợp đồng thử việc không bao gồm quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (quy định tại điểm i khoản 1 điều 23 Bộ luật lao động).

Tại khoản 3 điều 186 Bộ luật lao động 2012 quy định về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì:

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Như vậy, công ty bạn trả lương trong thời gian thử việc là 7.000.000 đồng và trong hợp đồng thử việc có nói là trong thời gian thử việc BHYT, BHXH,BHTN được tính gộp vào lương. Có thể hiểu là tiền lương bạn được trả trong thời gian thử việc bao gồm lương thử việc và một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp … Khoản tiền này sẽ tương đương với 22% lương thử việc của bạn (18% cho bảo hiểm xã hội, 3% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp).

Theo tính toán của chúng tôi thì lương thử việc của bạn sẽ vào khoảng 5,7 triệu đồng.

Lương thử việc được quy định tại điều 28 Bộ luật lao động 2012 như sau:

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Như vậy tùy theo mức lương thử việc mà bạn đã thỏa thuận với công ty thì lương chính thức của bạn có thể cao hơn hoặc bằng lương thử việc.

Về lương cơ bản dùng để đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương được ghi trong hợp đồng lao động. Theo quy định tại khoản 2 điều 94 Luật bảo hiểm xã hội 2006 (có hiệu lực đến hết 31/12/2015) quy định về Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, lương thực nhận của bạn khi đi làm có thể cao hơn mức lương dùng để đóng bảo hiểm xã hội vì ngoài mức lương ghi trong hợp đồng, công ty có thể thỏa thuận các khoản tiền thưởng, phụ cấp thêm cho bạn, nếu các khoản này không được quy định rõ ràng thành một số tiền cụ thể thì sẽ không được tính vào lương cơ bản dùng để đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bạn.

Tóm lại

1. Việc công ty gộp BHXH, BHYT, BHTN vào lương thử việc là hợp pháp.

2. Khi bạn đi làm chính thức, mức lương của bạn có thể bằng hoặc cao hơn mức lương thử việc (5,7 triệu đồng). Tuy nhiên lương thực nhận của bạn có được bằng 7.000.000 đồng, tùy vào thỏa thuận của bạn và công ty.

Trân trọng!
CV. Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169