Luật sư Trần Khánh Thương

Nghỉ việc trong thời gian thử việc quy định thế nào?

Trước khi giao kết hợp đồng lao động, nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) lựa chọn giao kết hợp đồng thử việc.Vậy nội dung liên quan đến chế độ thử việc hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? Và một số vướng mắc khác của các bên về chế độ thử việc sẽ được luật sư của Luật Minh Gia tư vấn cụ thể.

 

Thử việc không phải là thủ tục bắt buộc nhưng thực tế NSDLĐ thường lựa chọn thử việc trước khi ký hợp đồng lao động chính thức với NLĐ. Nếu trường hợp NLĐ nghỉ việc trong thời gian thử việc thì cần phải báo trước với công ty không? Trong thời gian thử việc, người lao động làm tăng ca (làm thêm giờ) thì trả lương như thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Em chào công ty Luật Minh Gia. Em có làm cho 1 công ty tư nhân, thời gian thử việc của em là 2 tháng. Trong thời gian thử việc em tăng ca rất nhiều ngày mà cuối tháng em không được cộng tiền tăng ca. Em làm được 1 tháng 10 ngày thì em tự ý bỏ ngang mà không báo trước hay thông báo, trong thư điện tử hợp đồng làm việc có ghi: Theo điều 26: “ trong thời gian thử việc 2 bên chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước”. Tuy nhiên, sau đó bên nhân sự gọi cho em và báo là sẽ đòi lại tiền của em và nhờ pháp luật can thiệp vì em tự ý nghỉ. Cho em hỏi như vậy em có vi phạm không ạ?. Em xin trân thành cảm ơn

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: Quy định của pháp luật về thời gian thử việc

Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về Kết thúc thời gian thử việc như sau:

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường

Như vậy, do bạn nghỉ việc vẫn đang trong thời gian thử việc 2 tháng của mình nên về nguyên tắc việc nghỉ của bạn không vi phạm quy định pháp luật về lao động (không phải báo trước và bồi thường cho công ty).

Thứ hai: Chế độ được hưởng khi làm thêm giờ trong thời gian thử việc:

Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động sẽ trả lương cho người lao động theo sự thỏa thuận giữa hai bên nhưng tiền lương tối thiểu sẽ phải bằng 85% mức lương công việc. Trong thời gian làm thử việc, nếu người lao động làm thêm giờ thì tiền lương làm thêm giờ sẽ được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 Bộ luật này về tiền lương làm thêm giờ cụ thể như sau:

Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày

Đối với thời gian thử việc bạn có làm tăng ca nhưng không được công ty chi trả tiền lương làm thêm giờ là trái với pháp luật lao động nên để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên Ban Công đoàn của công ty để giải quyết. Trong trường hợp công ty không giải quyết chế độ tiền làm thêm giờ cho bạn thì bạn có thể nộp đơn khiếu nại công ty đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nơi công ty bạn đặt trụ sở để giải quyết quyền lợi cho bạn hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo