Luật sư Dương Châm

Quy định về chế độ hưu trí theo luật bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm những chế độ gì? Điều kiện hưởng chế độ hưu trí như thế nào? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến chế độ hưu trí qua nội dung tư vấn sau đây:

1. Luật sư tư vấn về chế độ hưu trí

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm 5 chế độ cơ bản là ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí, tử tuất. Trong đó chế độ hưu trí được gọi là “trụ cột” của hệ thống an sinh xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhờ có chế độ hưu trí mà người lao động sau khi hết độ tuổi tham gia quan hệ lao động, đã đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ hưu và nhận tiền hưu để ổn định cuộc sống. Người có nhu cầu hưởng chế độ hưu trí phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Để nắm rõ các quy định về vấn đề này, bạn cần tham khảo các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản pháp luật liên quan hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến chế độ hưu trí, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Chế độ hưu trí theo quy định pháp luật

Câu hỏi:

Xin chào văn phòng luật sư Minh Gia. Tôi đã đóng  bảo hiểm đến nay được 16 năm nay. Do tình trạng sức khỏe nên tôi nghỉ việc, vậy luật sư cho tôi hỏi: nếu tôi đóng tiếp thì đóng mỗi tháng bao nhiêu; khi nào thì được lương;  mỗi tháng được hưởng bao nhiều tiền ạ; nếu tôi rút về thì tổng tôi được bao nhiêu tiền ạ, pháp luật quy định thế nào. Tôi cảm ơn ạ.

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về mức đóng và phương thức đóng BHXH tự nguyện

Trường hợp sau khi bạn nghỉ việc mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, bạn có thể lựa chọn giải pháp tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

“Điều 8. Đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, bao gồm:

1.1. Người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/01/2018; người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/01/2018 trở đi;

1.2. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

1.3. Người lao động giúp việc gia đình;

1.4. Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

1.5. Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

1.6. Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

1.7. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH;

1.8. Người tham gia khác.

2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH tự nguyện.”

Mức đóng BHXH tự nguyện sẽ bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn theo quy định tại Điều 10 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

“Điều 10. Mức đóng theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Mức đóng hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện như sau:

Mdt = 22% x Mtnt

Trong đó:

- Mdt: Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng.

- Mtnt: mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)

Trong đó:

- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.

Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Ví dụ 4: Bà A nêu ở ví dụ 1 đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập tháng lựa chọn là 4.000.000 đồng/tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện tháng 4/2017 của bà A sẽ là 880.000 đồng (22% x 4.000.000 đồng).

...”

Bạn có thể lựa chọn phương thức đóng hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần... theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

“Điều 9. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

1.1. Đóng hằng tháng;

1.2. Đóng 03 tháng một lần;

1.3. Đóng 06 tháng một lần;

1.4. Đóng 12 tháng một lần;

1.5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

1.6. Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”

Thứ hai, về thời điểm và mức hưởng lương hưu:

Để được hưởng chế độ hưu trí, bạn cần phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi và số năm đóng BHXH theo quy định tại Điều 73 Luật BHXH 2014 như sau:

“Điều 73. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”

Mức hưởng lương hưu hàng tháng được xác định theo Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“Điều 74. Mức lương hưu hằng tháng

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật này.”

Thứ ba, rút BHXH một lần:

Trường hợp nghỉ việc nhưng không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện như đã nêu trên đây, bạn có thể lựa chọn giải pháp rút BHXH một lần theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014 theo cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần như sau:

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;”

Trường hợp bạn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí, bạn có thể rút BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 77 Luật BHXH 2014:

“Điều 77. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 của Luật này nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội;”

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần tính theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Nghị quyết 93/2015/QH13 như sau:

“2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.”

Trên đây là nội dung tư vấn về: Quy định về chế độ hưu trí theo luật bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn liên hệ luật sư trực tuyến để được tư vấn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169