Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về cấp, quản lý và sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là một hình thức bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân khi gặp phải các rủi ro về sức khỏe, bệnh tật, tai nạn. Theo quy định pháp luật, người tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ để khám chữa bệnh. Tuy nhiên nhiều trường hợp người lao động không được cấp thẻ dẫn tới nhiều quyền lợi bị ảnh hưởng.

Nội dung đề nghị tư vấn 1:Tôi làm việc tại một công ty TNHH hơn 01 năm. Hàng tháng, tôi vẫn thấy công ty có trích từ tiền lương của tôi để đóng BHXH và BHYT, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. Do đó, các lần khám chữa bệnh gần đây tôi đều phải tự chi trả. Pháp luật quy định như thế nào về việc đóng BHYT và cấp thẻ BHYT. Trường hợp của tôi không được bảo hiểm thanh toán tiền khám chữa bệnh do không có thẻ BHYT, thì ai phải chịu trách nhiệm?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến cho Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc đóng và cấp thẻ BHYT

Theo quy định tại Điều 14 Luật BHYT 2008, sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định như sau:

“Điều 15. Phương thức đóng bảo hiểm y tế
1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.

…”

Ngoài ra, tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định về cấp thẻ BHXH như sau:

Điều 30. Cấp thẻ BHYT

1. Cấp mới: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp: không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Như vậy, việc đóng BHYT cho người lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động trích từ tiền lương của người lao động nộp cùng lúc vào quỹ BHYT.

Cơ quan BHXH phải in, cấp phát thẻ BHYT theo đúng thời hạn quy định của Luật BHYT. Theo đó, Cơ quan BHXH hướng dẫn đơn vị quản lý đối tượng tham gia BHYT (người sử dụng lao động) giao thẻ BHYT đúng đối tượng và kịp thời.
Căn cứ các quy định nêu trên, người tham gia BHTYT phải được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT sau 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan này nhận đủ hồ sơ và tiền BHYT đã được đóng vào quỹ BHYT đúng quy định.

Thứ hai, về trách nhiệm thanh toán tiền khám chữa bệnh

Theo thông tin chị cung cấp, hơn 01 năm kể từ ngày đóng BHYT, chị vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. Có nghĩa là, đã có việc thực hiện sai quy định của pháp luật trong việc đóng BHYT hoặc cấp và trả thẻ BHYT cho người tham gia BHYT (có thể do lỗi của người sử dụng lao động hoặc của cơ quan BHXH), dẫn đến quyền lợi về BHYT của chị không được bảo đảm.

Theo quy định tại Điều 49 Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 28 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định rõ về các biện pháp xử lý vi phạm, theo đó Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến bảo hiểm y tế thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi theo quy định trên, Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.”

Hiện nay, thẻ BHYT đã được tích hợp trên ứng dung VssID để thay thế cho BHYT giấy. Do vậy, bạn có thể cài đặt ứng dụng này về theo dõi và sử dụng chi trả thay cho BHYT giấy.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169