Quy định về cách tính lương hưu cho người lao động có thời gian phục vụ trong quân ngũ
1. Luật sư tư vấn Luật Bảo hiểm xã hội
Tại Việt Nam, chế độ hưu trí được quy định ngay trong những năm đầu sau khi thành lập nước và tương đối chỉ tiết khi Chính phủ ban hành Nghị định số 218-CP năm 1961 về bảo hiểm xã hội. Cũng như các chế độ bảo hiểm xã hội khác, chế độ hưu trí thường xuyên có những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam không thực hiện chế độ hưu trí cho tất cả mọi đối tượng lao động cùng một lúc, mà mở rộng dần các đối tượng được tham gia và hưởng bảo hiểm xã hội. Trước hết thực hiện đối với công chức, viên chức Nhà nước, quân đội, tiếp theo là người lao động của doanh nghiệp. Với đối tượng có thời gian hoạt động trong quân ngũ, khi tính lương hưu cũng có sự khác biệt so với các đối tượng khác.
Do đó, nếu còn vướng mắc về cách tính lương hưu, bạn có thể gửi câu hỏi tư vấn để được đội ngũ Luật sư, Chuyên viên của Luật Minh Gia giải đáp kịp thời về các quyền lợi lương hưu của mình bao gồm:
- Điều kiện hưởng lương hưu;
- Mức hưởng hưu trí;
- Hồ sơ hưởng hưu trí;
- Trình tự, thủ tục để hưởng lương hưu;…
2. Tư vấn cách tính lương hưu cho người lao động có thời gian phục vụ trong quân ngũ
Câu hỏi: Tôi tên: Đ, Hộ khẩu thường trú: Đồng Nai; Tôi xin hỏi về chế độ chính sách về lương hưu như sau: Tôi tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 03/1979 đến tháng 11/1986, sau đó về phục viên. Khi về phục viên là Trợ lý huấn luyện, quân hàm Thượng úy, tổng thời gian phục vụ trong Quân đội là: 07 năm 8 tháng. Tháng 03/1987, tôi tham gia công tác tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đến tháng 11/1995 tôi xin nghỉ công tác.
Tháng 02/1996 tôi cùng gia đình vào miền Nam làm kinh tế. Đến tháng 06/1998, tham gia công tác tại xã Cẩm Đường, Long Thành, Đồng Nai. Đến tháng 02/2014 tôi xin nghỉ công tác. Tính thời gian đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại xã Cẩm Đường là 13 năm 9 tháng.
Theo Nghị định 153/2013 NĐ/CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị 68/2007/NĐ/CP ngày 19/4/2007, tại khoản 14 điều 50, tôi được cộng nối thời gian trong Quân đội để được hưởng BHXH. (Vì khi về phục viên tôi chưa hưởng trợ cấp 1 lần theo Quyết định 162/2011/QĐ/CP). Tổng cộng thời gian công tác để hưởng BHXH là: 21 năm 07 tháng.
Vì sức khỏe yếu, tôi xin đi giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi. Qua giám định y khoa tôi bị giảm trên 70%. Được BHXH Đồng Nai cho nghỉ hưu và tính lương hưu theo năm đóng BHXH trừ thời gian nghỉ trước tuổi, nhưng khi tính lương hưu tôi tôi được tính mức lương cuối cùng khi nghỉ công tác tại địa phương.
Tôi hỏi trường hợp của tôi có được tính trợ cấp thâm niên trong thời gian phục vụ tại ngũ trong Quân đội tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu hay không?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì sau khi xuất ngũ, bạn chuyển sang công tác tại cơ quan Nhà nước. Do đó, theo khoản 4 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội, trường hợp của bạn được quy định như sau:
Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, số năm đóng bảo hiểm xã hội của bạn sẽ được tính bằng số năm công tác công với số năm tham gia quân ngũ. Cách tính lương hưu cho cán bộ về hưu có thời gian phục vụ trong quân ngũ được quy định trong khoản 4 Điều 1 Nghị định 153/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 7 Điều 34 Nghị định 68/2007/NĐ-CP như sau:
4. Khoản 7 Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"7. Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển sang ngạch công chức, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu hoặc chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc chuyển ngành sang doanh nghiệp Nhà nước, thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định rồi mới nghỉ hưu thì cách tính lương hưu thực hiện như sau:
a) Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân hoặc phụ cấp thâm niên nghề tính theo thời gian làm việc trong tổ chức cơ yếu tại thời điểm liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu;
b) Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sang các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này;
c) Trường hợp quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đã chuyển ngành rồi nghỉ hưu mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu tính theo Điểm a, Điểm b Khoản này thấp hơn mức lương hưu tính theo mức lương bình quân của quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng tại thời điểm chuyển ngành và được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu."
Vì trong thông tin mà bạn cung cấp không nói rõ sau khi phục viên, công tác bạn làm có được hưởng phụ cấp thâm niên nghề hay không nên chúng tôi không thể cho bạn câu trả lời chính xác. Bạn có thể đối chiếu những quy định trên đây với trường hợp của mình.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất