Mạc Thu Trang

Quy định làm thêm giờ, thời gian làm thêm trong một ngày?

Bộ luật lao động 2019 quy định cụ thể về thời gian làm việc bình thường, thời gian làm thêm giờ trong ngày. Đây là một trong những quy định quan trọng, thể hiện chính sách bảo vệ người lao động, bảo đảm cho người lao động không bị vắt kiệt sức lực, có thời giờ nghỉ ngơi hợp lý để chăm lo cho gia đình và tái tạo sức lao động. Vậy quy định về làm thêm giờ, thời gian làm thêm trong một ngày hiện nay như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan để bạn đọc tham khảo:

1. Luật sư tư vấn về làm thêm giờ

Theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành thì thời giờ làm việc được chia thành thời giờ làm việc bình thường và làm thêm giờ. Trong đó, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động. Khi người sử dụng lao động bố trí, sắp xếp người lao động làm thêm giờ phải đảm bảo đáp ứng được những điều kiện của pháp luật lao động như phải có sự đồng ý của người lao động, bảo đảm được số giờ làm thêm tối đa trong một ngày, trong tháng, trong năm,…

Việc quy định thời gian làm việc bình thường và thời gian làm thêm giờ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người lao động. Đây là một trong những chính sách bảo vệ người lao động, bảo đảm cho người lao động không bị vắt kiệt sức lực, có thời giờ nghỉ ngơi hợp lý để chăm lo cho gia đình và tái tạo sức lao động. Khi tham gia quan hệ lao động, người lao động cần biết những quy định liên quan về làm thêm giờ như thời gian làm thêm trong một ngày, tiền lương làm thêm giờ,...để đảm bảo quyền và lợi ích của bản thân. 

2. Quy định làm thêm giờ, thời gian làm thêm trong một ngày?

Câu hỏi tư vấn: Nhờ luật sư tư vấn về thời gian làm việc trong hợp đồng lao động, thời gian làm thêm giờ trong 1 ngày, cụ thể như sau: Do đặt thù công việc, công ty em kinh doanh bán hàng, giao hàng tới nhà khách. Đối với bộ phận tài xế công ty em vẫn ký hợp đồng lao động bình thường là 8h/ngày. Nhưng thỏa thuận thêm là những ngày có phát sinh sẽ làm từ 8h-20h. Hiện em đang được lệnh chỉnh sửa lại hợp đồng lao động thời giờ làm việc: “Do đặc thù công việc nên thời gian làm việc tính từ lúc bắt đầu giao hàng cho đến khi giao hàng xong”. Đối với hợp đồng chưa hết thời hạn thì em sẽ phải làm phụ lục chỉnh sửa thêm vào nội dung này. Mục đích của việc chỉnh sửa này là để tài xế phải ở lại giao hết hàng (có thể sau 21h) và ko tính tăng ca. Anh/chị hỗ trợ giúp em trường hợp này có sai luật định không ạ? Theo em thấy thì có vẻ không hợp lý. 

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Điều 105 Bộ luật lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

"Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Theo Điều 107 Bộ luật lao động 2019 về làm thêm giờ quy định như sau:

Điều 107. Làm thêm giờ

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

4. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, Bộ luật lao động quy định tại Điều 98 như sau:

Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Như vậy, theo bạn trình bày do đặt thù công việc, công ty bạn kinh doanh bán hàng, giao hàng tới nhà khách. Đối với bộ phận tài xế công ty bạn ký hợp đồng lao động bình thường là 8h/ngày, thời gian thỏa thuận phát sinh thêm từ 8h-20h và có thể sau 21h và không tính ca. Do đó so sánh với quy định của Bộ luật lao động 2019 và  Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì trường hợp của bạn chưa tuân thủ đúng với quy định của pháp luật lao động, bạn sẽ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với bộ phận tài xế của công ty bạn.

-----------

Câu hỏi thứ 2 - Chế độ làm việc của giáo viên quy định thế nào?

Câu hỏi:

Ở trường X (trường THCS) trung bình mỗi giáo viên phải dạy 18 tiết/tuần (kể cả số tiết kiêm nhiệm). BGH phân công họ làm việc tại trường là 5 buổi /tuần, có người chỉ có mặt ở trường 4 buổi/tuần (kể cả buổi họp). Tuy nhiên tôi phải dạy 19 tiết/tuần (kể cả kiêm nhiệm) nhưng theo sự phân công của BGH tôi phải có mặt ở trường 6,5 buổi/tuần (kể cả buổi họp). Vậy tôi xin hỏi việc phân công thời gian làm việc của BGH đối với tôi như vậy có hợp lý không? Tôi phải nhờ đến cơ quan nào để được giúp đỡ.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 6 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT về định mức tiết dạy như sau:

Điều 6. Định mức tiết dạy

Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:

1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;

2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;

Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;

Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.

3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành.

Như vậy, định mức tiết dạy của giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, việc sắp xếp lịch dạy cho từng giáo viên không có quy định cụ thể mà phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, số lượng giáo viên từng bộ môn, có thể xem xét đến hoàn cảnh của từng giáo viên như mang thai, nuôi con nhỏ...

Do đó, việc Ban giám hiệu Nhà trường phân công bạn dạy 19 tiết/tuần nhưng phải có mặt 6,5 buổi/tuần vẫn đúng quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp anh/chị thấy sự bất hợp lý trong việc sắp xếp lịch dạy cho từng giáo viên thì có thể kiến nghị lên Ban giám hiệu để xem xét giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo