Triệu Lan Thảo

Quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng

Sự việc của tôi như sau: Tôi và 4 anh bạn cùng cơ quan đi ăn cơm trưa tại quán. Thì hai anh bạn trong chúng tôi bị hai đối tượng cũng là khách đến ăn tại quán gây sự đánh (tất cả chúng tôi đều không quen biết nhau và cũng không có thù hằn hay xích mích gì trước đó cả). Khi anh bạn tôi bị đánh thì tôi và anh chủ quán can ngăn nên hai anh bạn tôi chạy thoát ra khỏi quán được nhưng vẫn bị hai đối tượng trên đuổi đánh theo

 

Khoảng 5 phút sau thì hai đối tượng trên quay lại quán và chử bới, đồng thời đập phá đồ đạc trong quán. Lúc đó tôi và anh chủ quán vẫn đứng tại quán nhưng hai đối tượng trên không gây sự hay động vào chúng tôi. Khoảng 10 phút sau thì có hai anh công an xã tới quán. Thì bị hai đối tượng trên lao vào chửi bới và đấm vào mặt một anh công an xã. Rồi hai đối tượng trên bỏ đi khỏi quán. Khoảng 15 phút sau thì có 5 anh công an huyện xuống điều tra sự việc và yêu cầu những ai chứng kiến thì ngồi làm bản tường trình. Khi tôi và anh chủ quán cùng người bạn tôi đang ngồi tường trình sự việc. thì hai đối tượng trên lại quay trở lại quán . Một đối tượng lấy cốc trong tủ đồ ném về phía bàn chúng tôi đang ngồi, đồng thời lao vào đạp đổ bàn chúng tôi và các anh công an đang viết biên bản. Thấy vậy khi đó tôi nói: Có các anh công an ở đây mà chúng mày không coi pháp luật ra gì à, sao các anh không khóa chúng lại đi. Vừa nói dứt câu tôi bị một đối tượng cầm cốc ném và lao vào định đánh tôi. Sơ quá tôi bỏ chay ra phía cửa thì bị đối tượng còn lại chặn cửa, túm cổ áo và đấm vào mặt tôi. Còn đối tượng còn lại cầm cốc lao về phía tôi. ( khi đó các anh công an cũng chưa khống chế hai đối tượng trên lại). Lúc đó một tay tôi che mặt một tay nhạt được chiếc cốc dưới đất và khua khoắng về phía trước, thì trúng vào mặt đối tượng đang cầm cốc lao vào tôi. Thấy tôi cầm cốc đối tượng túm cổ áo tôi cũng buông tay khỏi cổ áo tôi. Tôi liền chạy vào trong. Và được anh công an xã đưa ra khỏi quán bằng cửa sau để lên công an xã viết lại tường trình sự việc. Hai đối tượng trên thì được cho về để đi băng bó vết thương. Hôm sau tôi và 3 anh bạn được gọi lên công an huyện để lấy lời khai lại sự việc. từ hôm đó đến nay tôi đã bị yêu cầu lên công an huyện 3 lần để lấy lời khai và viết bản tường trình lại sự việc. Lần gần nhất tôi được phía công an thông báo là một trong hai đối tượng bị bắt tạm giam 3 tháng về hành vi chống người thi hành công vụ và phá hoại tài sản, đồng thời tôi cũng được thông báo là vết thương tôi gây ra cho một đối tượng với tỉ lệ thương tật là 13%, và tôi có thể bị khởi tố vi hành vi gây thương tích. Xin hỏi Luật sư với sự việc như trên tôi có phải là tự vệ chính đáng hay không? quy định pháp luật và mức hình phạt thế nào? Mong sớm nhận được sự tư vấn giúp đỡ từ Luật Sư. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

 

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

 

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

 

Như vậy, để xét một hành vi có phải là phòng vệ chính đáng hay không ta cần xét đến 3 yếu tố:

 

Thứ nhất, về phía nạn nhân, phải là người có hành vi xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phòng vệ hoặc người thứ ba khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Hành vi xâm hại này phải là những hành vi trái pháp luật và có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Nếu hành vi xâm phạm là hành vi mà pháp luật cho phép, thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ. Đối với mức độ đáng kể thì tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm (quan hệ xã hội cần bảo vệ) cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm). Trong trường hợp của bạn, khi bạn bỏ chạy đã bị một người khác giữ lại và bị đấm vào mặt, trước đó nạn nhân đã ném cốc về phía bạn và vẫn tiếp tục lao về phía bạn khi bị bạn bị giữ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của bạn.

 

Thứ hai, về phía người phòng vệ, là người có hành vi chống trả lại hành vi xâm phạm của nạn nhân, và thiệt hại do người phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người có hành vi xâm phạm.

 

Thứ ba, hành vi chống trả phải là cần thiết, cần thiết có thể được hiểu là tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm. Một hành vi là chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mặc dù mức thương tích bạn gây ra cho người kia lớn hơn mức thương tích bạn phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đang bị đe dọa của mình.

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn đã bị đe dọa trực tiếp đến sức khỏa tính mạng, thiệt hại bạn gây ra cũng là thiệt hại về sức khỏe cho chính người đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tính mạng của bạn, và về hành vi chống trả cần thiết thì bước đầu có thể xác định là phòng vệ chính đáng.

 

Điều 136 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội như sau:

 

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

 

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

 

Bạn đã gây thương tích cho người có hành vi xâm phạm với tỉ lệ 13% không thuộc trong các trường hợp quy định tại Điều 136 nêu trên.

 

Trân trọng!

CV. AN THỊ QUỲNH - CÔNG TY LUẬT MINH GIA

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169