Lò Thị Loan

Viên chức, công chức? chuyển từ viên chức sang công chức thế nào?

Viên chức, công chức quy định thế nào? Với những chế độ, quyền lợi riêng biệt nên có nhiều viên chức có nhu cầu chuyển đổi từ viên chức sang công chức? Vậy khi nào được chuyển từ viên chức sang công chức? Qua bài viết dưới đây Luật Minh Gia tư vấn, hướng dẫn cụ thể:

1. Viên chức là gì? Công chức là gì?

- Viên chức:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

- Công chức:

Công chức là được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

- Theo quy định hiện hành, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có thể được chuyển sang công chức nếu đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Vậy điều kiện đó là gì? Để được tư vấn bạn hãy liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi để được tư vấn cụ thể:

Bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:

2. Luật sư tư vấn về điều kiện chuyển từ viên chức sang công chức

Câu hỏi tư vấn:

Thưa Luật sư, tôi có một câu hỏi xin Luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi là giáo viên dạy Toán THCS bắt đầu công tác từ năm 2006, hiện nay tôi công tác trong ngành GD đã được 15 năm liên tục, đến năm 2013 tôi có bằng TN ĐHSP nhưng đến tháng 4/2019 tôi mới có quyết định thăng hạng GV và hưởng lương đại học. Vậy đến thời điểm hiện tại tháng 8/2021 tôi muốn làm hồ sơ chuyển sang công chức thì có đủ điều kiện không (tôi đã nghiên cứu Nghị định 138/2020/NĐ-CP nhưng vẫn chưa hiểu), rất mong luật sư trả lời giúp tôi để tôi định hướng được nghề nghiệp của mình. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện chuyển từ viên chức sang công chức

Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật viên chức 2010 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định như sau:

1. Việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức được thực hiện như sau:

a) Việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

b) Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này;

c) Quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược lại được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.

Khoản 5 Điều 1 Luật cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2019 quy định:

“3. Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:

a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đó căn cứ quy định trên, đối chiếu với trường hợp của bạn hiện bạn là viên chức đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập nên nếu bạn muốn chuyển sang công chức thì bạn phải thực hiện thông qua hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc thông qua người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức nếu đáp ứng đủ các điều kiện tiếp nhận vào làm công chức theo quy định. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng và điều kiện để được tiếp nhận vào làm công chức như sau:

Điều 18. Tiếp nhận vào làm công chức 

1. Đối tượng tiếp nhận:

a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Cán bộ, công chức cấp xã;

c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

d) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;

đ) Người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận:

Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được quyền xem xét, tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đáp ứng đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này) làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển;

b) Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này chỉ thực hiện việc tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận và phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;

c) Trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này phải được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ và không yêu cầu phải có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến; khi tiếp nhận vào làm công chức không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.”.

Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp bạn, để được xem xét tiếp nhận vào làm công chức thì bạn phải đáp ứng đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật. Đồng thời, phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP) làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển.

Đối với trường hợp của bạn tính đến nay bạn đã có thời gian công tác trong ngành giáo dục là 15 năm liên tục. Tuy nhiên, cần xem xét vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trong các quá trình bạn làm việc từ năm 2006. Nếu bạn có đủ 05 năm công tác trở lên làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm của công chức thì chị đủ điều kiện được xem xét, tiếp nhận vào làm công chức mà không bắt buộc phải thông qua thi tuyển và xét tuyển. (để có căn cứ xác định trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp thì chị cần đối chiếu về vị trí việc làm, trình độ đào tạo, bằng cấp,…)

Thứ hai, về hồ sơ đề nghị để được tiếp nhận vào làm công chức

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức, thì bạn sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ như sau:

3. Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức:

a) Sơ yếu lý lịch công chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận đáp ứng yêu cầu miễn phần thi ngoại ngữ hoặc tin học quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;

d) Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia, nếu có nhu cầu tư vấn thêm bạn vui lòng liên hệ Luật Minh Gia để được giải đáp kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo