Nguyễn Ngọc Ánh

Quy định của pháp luật về chế độ thai sản của vợ, chồng

Trước tiên tôi xin kính chào các A/c trong ban biên tập, các luật sư và lãnh đạo Công ty Luật Minh Gia. Tôi có 2 vấn đề như sau mong các vị tư vấn giúp:

 

Nội dung yêu cầu: 1. Vợ tôi sinh con ngày 03/11/2016. Vợ tôi là viên chức nhà nước đóng BHXH( Bảo hiểm xã hội) liên tục từ 01/04/2007- 30/05/2016. Vậy luật sư cho tôi hỏi:- Hạn cuối cùng để tôi thanh toán tiền thai sản là như thế nào và đóng BHXH ngắt quãng như vậy thì có được thanh toán tiền thai sản không?- Tôi( Chồng) cũng tham gia BHXH liên tục từ 01/11/2011- hiện nay thì có được thanh toán tiền thai sản theo chế độ của chồng là trợ cấp 02 tháng lương cơ bản không?- Vợ chồng tôi có thể thanh toán tiền thai sản được của cả 2 vợ chồng không? trong khi đó Tôi( chồng) đã làm xong thủ tục thanh toán Bảo hiểm và đã có kết quả giấy tờ bên Bảo hiểm họ trả kết quả nơi tôi đang công tác. 2. Vợ tôi sinh em bé lần này là con thứ 3 do vợ tôi là viên chức nhà nước của 1 sở tại hà nội cho nên Giám đốc của 1 trung tâm( quản lý trực tiếp vợ tôi) dọa sẽ cho nghỉ việc vì sinh con thứ 3 thì có đúng luật không?  và nếu bị hình thức kỷ luật thì ở mức độ như thế nào?     Nếu Giám đốc họ lợi dụng chức quyền họ vin cớ như thế họ ép nghỉ việc hoặc điều chuyển sang đơn vị khác cùng tuyến thì như vậy có đúng không? Trong trường hợp vợ tôi bị Giám đốc đó sử ép như vấn đề nêu trên thì VC tôi liên hệ Công ty Luật Minh Gia can thiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của vợ tôi có được không?  VC tôi mong nhận được câu trả lời sớm từ các chuyên gia.Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

 

1. Vợ tôi sinh con ngày 03/11/2016. Hạn cuối cùng để vợ tôi thanh toán tiền thai sản là như thế nào và đóng BHXH ngắt quãng như vậy thì có được thanh toán tiền thai sản không?

 

Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản:

 

“1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

 

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:

 

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

 

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

 

4. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

 

Theo quy định của pháp luật, thời hạn cuối cùng đề vợ anh nộp hồ sơ hưởng BHXH cho đơn vị sử dụng lao động là hết 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Tuy nhiên, nếu thời điểm hiện tại gia đình đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì có quyền nộp để giải quyết chế độ luôn.

 

Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản:

 

"1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Lao động nữ mang thai;

 

b) Lao động nữ sinh con;

 

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

 

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

 

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

 

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

 

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi".

 

Căn cứ điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì trường hợp vợ anh đóng BHXH ngắt quãng nhưng đóng đủ 06 tháng trở trên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

 

2. Tôi( Chồng) cũng tham gia BHXH liên tục từ 01/11/2011- hiện nay thì có được thanh toán tiền thai sản theo chế độ của chồng là trợ cấp 02 tháng lương cơ bản không?

 

Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi:

 

"Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

 

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con".

 

Chiểu theo quy định trên, trường hợp vợ anh tham gia BHXH thì vợ sẽ được cơ quan BHXH chi trả trợ cấp 01 lần khi sinh con và anh không được hưởng nữa. Anh có tham gia BHXH thì được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật BHXH 2014.

 

Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

 

"...

2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

 

a) 05 ngày làm việc;

 

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

 

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

 

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

 

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con".

 

3. Vợ tôi sinh em bé lần này là con thứ 3 do vợ tôi là viên chức nhà nước của 1 sở tại hà nội cho nên Giám đốc của 1 trung tâm (quản lý trực tiếp vợ tôi) dọa sẽ cho nghỉ việc vì sinh con thứ 3 thì có đúng luật không?  và nếu bị hình thức kỷ luật thì ở mức độ như thế nào?

 

Điều 13  Nghị định 27/2012/NĐ-CP hưởng dẫn Luật viên chức 2010 quy định các trường hợp áp dụng hình thức buộc thôi việc:

 

"Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

 

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

 

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

 

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

 

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

 

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch.

 

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức".

 

Vậy, trường hợp vợ anh sinh con thứ 03 không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật thôi việc. Trường hợp người đứng đầu đơn vị xử lý kỷ luật không đúng quy định thì vợ anh có quyền gửi đơn khiếu nại để yêu cầu giải quyết.

 

Về hành vi sinh con thứ 03 thì nay không bị áp dụng chế tài xử phạt hành chính; nhưng đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật, và thông thường là hình thức kỷ luật khiển trách.

 

Ngoài ra, nếu cán bộ, công chức hoặc viên chức đứng trong hàng ngũ Đảng cộng sản Việt thì thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách.

 

Điều 26 Quyết định 181/QĐ - TW về vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình: "1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

...".

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quy định của pháp luật về chế độ thai sản của vợ, chồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn