Phụ cấp ưu đãi nghề đối với người lao động làm việc không xác định thời hạn tại cơ sở y tế?

Câu hỏi tư vấn: Mình công tác tại trung tâm y tế huyện đã được 2 năm và từ lúc xoá tập sự đến nay mình được hưởng mọi khoản phụ cấp nghề nghiệp. Mình là lao động hợp đồng không thời hạn (kĩ thuật viên hình ảnh.) do sở y tế kí hợp đồng, trong hợp đồng có ghi rõ được hưởng mọi khoản phụ cấp nghề nghiệp kèm theo.

 

Đến tháng này thì sở đưa công văn xuống là không cho lao động hợp đồng được hưởng phụ cấp, yêu cầu truy thu ai không nộp thì thôi việc. Sau khi nộp lương sẽ chỉ được hưởng mức lương cơ bản và bảo hiểm phải tự đóng. Như vậy có phải là sai luật không ạ? (Vì mình làm công việc x quang trong mảng môi trường đặc biệt). Trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Thông tư 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện nghị định số 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Cụ thể:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

Công chức, viên chức đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, thuộc biên chế trả lương (kể cả lao động hợp đồng) trong các cơ sở y tế công lập:

 

1. Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế (xếp lương theo các ngạch viên chức có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 16 hoặc 13) để thực hiện các công việc sau:

 

a) Khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh và phục hồi chức năng;

 

b) Xét nghiệm phục vụ cho công tác chuyên môn y tế;

 

c) Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, y học hạt nhân, xạ trị;

 

d) Giải phẫu bệnh lý;

 

đ) Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế biên giới;

 

e) Phòng chống dịch bệnh, bệnh xã hội, y học lao động và vệ sinh môi trường y tế;

 

g) Kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn sinh học; hộ lý, y công;

 

h) Kiểm nghiệm, kiểm định, giám định;

 

Như vậy, ngoài công chức, viên chức thì còn những đối tượng khác (hợp đồng lao động) cũng được tính hưởng phụ cấp nghề này. Do đó, đối chiếu với trường hợp của bạn thì với hợp đồng lao động không xác định thời hạn mà bạn ký với sở y tế, công việc chính là kỹ thuật viên máy tính (xét nghiệm phục vụ công tác y tế) cũng thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề với mức hưởng 40%. Nên việc đơn vị yêu cầu truy thu lại tiền phụ cấp đã thanh toán trước đây của bạn là không phù hợp (bạn không phải hoàn trả lại số tiền phụ cấp này cho đơn vị); trường hợp đơn vị lấy lý do đó để ra quyết định thôi việc thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại đối với quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật và yêu cầu bồi thường.

 

- Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

 

Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

 

Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

 

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

 

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

....

Điều 86. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động

 

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

 

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

 

b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

 

2. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

 

a) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

b) 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

 

3. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này.

 

4. Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật này.

...

Theo đó, vì giữa bạn và đơn vị phát sinh quan hệ lao động nên thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do vậy, đơn vị có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng dựa trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của bạn, việc đơn vị không tham gia đóng bảo hiểm xã hội mà bắt bạn phải tự mình tham gia đóng bảo hiểm là trái với quy định pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi của mình thì trước tiên bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp ban lãnh đạo đơn vị để được giải quyết, trường hợp khiếu nại không được giải quyết thì sẽ khiếu nại trực tiếp lên cấp trên trực tiếp quản lý đơn vị.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169