Lại Thị Nhật Lệ

Cách tính phụ cấp thu hút theo quy định mới nhất

Nhằm hướng tới việc khuyến khích người lao động, công chức, viên chức yên tâm công tác và gắn bó với nghề nhà nước đã có rất nhiều những chính sách hỗ trợ cũng như quy định những khoản phụ cấp đối với từng đối tượng khác nhau. Đơn cử như trường hợp giáo viên công tác tại những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn có thể được hưởng phụ cấp thu hút nếu đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật.

1. Tư vấn quy định về phụ cấp thu hút

- Phụ cấp thu hút được xác định là phụ cấp giành cho đối tượng công tác tại những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn. Vậy điều kiện và mức hưởng phụ cấp thu hút được xác định như thế nào?

- Để nắm được các quy định pháp luật lao động hiện hành liên quan đến các trường hưởng các loại phụ cấp giành cho người lao động, cán bộ, công chức và viên chức bạn hãy liên hệ với Luật Minh Gia để được tư vấn nhanh nhất.

2. Phụ cấp thu hút đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn

Câu hỏi:

Tôi là Giáo viên đến công tác tại bản khó khăn của xã vùng II thì được hưởng phụ cấp thu hút theo nghị định 76/2019/NĐ-CP. Theo điều 8 thông tư liên tịch 08/2011/TTLT-BNV-BTC thì chi trả phụ cấp thu hút theo thời gian thực tế công tác tức là làm bao nhiêu tháng thì hưởng bấy nhiêu. Vậy tôi xin hỏi:

1. Giáo viên nghỉ hè 2 tháng vậy 2 tháng đó có được hưởng phụ cấp thu hút theo nghị định 76/2019 không?

2. Trong tháng tám giáo viên học tập chuyên môn, bồi dưỡng chính trị hè có được hưởng phụ cấp thu hút không. Việc thanh toán phụ cấp thu hút cho giáo viên chỉ công tác 1 năm học là 9 tháng hay chi trả 12 tháng theo năm tài chính?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

- Quy định về chế độ chi trả phụ cấp thu hút

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 76/2019/NĐ-CP về Phụ cấp thu hút quy định như sau:

“Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng)”.

Vậy việc thanh toán phụ cấp thu hút sẽ được xác định thông qua thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và được hưởng không quá 05 năm (60 tháng). Mức hưởng phụ cấp thu hút sẽ được tính bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Quy định về thời gian làm việc tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn

Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được bạn căn cứ vào Điều 13 Nghị định 76/2019/NĐ-CP

Điều 13. Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để làm căn cứ tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp

1. Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là tổng thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn), bao gồm:

a) Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội;

b) Thời gian làm việc trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu.

2. Cánh tính thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

a) Tính theo tháng:

Trường hợp có từ 50% trở lên thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo chế độ làm việc do cơ quan có thẩm quyền quy định thì được tính cả tháng; trường hợp có dưới 50% thời gian trong tháng thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không tính;

Đối với nhà giáo đạt từ 50% định mức giờ giảng trong tháng trở lên thì được tính cả tháng; thời gian nghỉ hè được hưởng lương đối với nhà giáo theo chế độ quy định của cơ quan có thẩm quyền thì được tính hưởng phụ cấp thu hút và phụ cấp ưu đãi theo nghề.

b) Tính theo năm:

Dưới 03 tháng thì không tính;

Từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng thì được tính bằng 1/2 (một phần hai) năm công tác;

Trên 06 tháng thì được tính bằng 01 năm công tác.

3. Thời gian không được tính hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định này, gồm:

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên;

b) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác, thời gian bị tạm giữ, tạm giam.

- Quy định về hưởng phụ cấp thu hút trong thời gian nghỉ hè

Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông.

Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm

“… 3.Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

 a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

…”

Như vậy, thời gian nghỉ hè của giáo viên là 2 tháng thay cho nghỉ phép hằng năm và được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp. Vậy trong trường hợp này bạn được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP thì thời gian 02 tháng nghỉ hè bạn sẽ vẫn được hưởng phụ cấp thu hút bình thường theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT.

- Thời gian học tập chuyên môn, bồi dưỡng chính trị có được hưởng phụ cấp thu hút?

Theo quy định taị Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT thì thời gian làm việc của giáo viên phổ thông được xác định như sau:

Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm

“1. Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

…”

Vậy trong trường hợp này, thời gian bạn tham gia học tập chuyên môn, bồi dưỡng chính trị vẫn được tính vào thời gian làm việc của giáo viên. Đối với giáo viên tiểu học là 05 tuần còn đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông là 03 tuần. Nếu bạn đi học tập chuyên môn, bồi dưỡng chính trị thì thời gian đó vẫn sẽ được hưởng lương cũng như phụ cấp thu hút nếu vẫn làm việc, học tập tại vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nếu thời gian làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên thì không được tính hưởng các chế độ phụ cấp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169