Phạm Diệu

Phụ cấp thu hút, phụ cấp chuyển vùng khi công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được tính như thế nào?

Nghị định 76/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đã quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong quá trình áp dụng trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc. Do đó, trong phạm vi bài viết này, Luật Minh Gia sẽ giúp bạn giải đáp một số vướng mắc:

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp ưu đãi như: phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, phụ cấp  ưu đãi...Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cán bộ, công chức, viên chức cũng được hưởng các khoản phụ cấp, trợ cấp giống nhau. Việc hưởng phụ cấp, trợ cấp như thế nào căn cứ vào điều kiện làm việc, thâm niên làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

1. Đối tượng nào được hưởng trợ cấp lần đầu khi công tác ở vùng đặc biệt khó khăn? 

Cho tôi hỏi: tôi và một số đồng nghiệp là công chức xã thuộc vùng có điều kiện khó khăn tôi tham gia công tác từ tháng 7 năm 2010, đến năm 2011 đến nay chúng tôi đã được hưởng đủ 5 năm thu hút theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP, nhưng chúng tôi không được hưởng chế độ trợ cấp lần đầu do nghe nói đối tượng được hưởng là phải tham gia công tác sau tháng 3/2011, như vậy có đúng không? Vì tôi thấy ở một số tỉnh khác có các trường hợp tham gia công tác cùng với thời điểm của tôi đều đã được hưởng trợ cấp lần đầu. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: 

Tại Điều 6 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về chế độ trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

"Điều 6. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau:

1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:

a) Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách);

b) Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

3. Các khoản trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.".

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Mục 2 Công văn 1784/BNV-TL quy định:

"Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang được cơ quan có thẩm quyền quyết định đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2011 (ngày Nghị định số 116/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) được chi trả trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng ngay khi cán bộ, công chức, viên chức đến nhận công tác và được tính theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm chi trả".

Như vậy, căn cứ theo quy định trên và đối chiếu với trường hợp bạn thì bạn đã công tác ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trước ngày 01/03/2011 thì không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp lần đầu theo quy định.

2. Trường hợp nào thì được hưởng phụ cấp thu hút?

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia: chúng tôi là giáo viên, chúng tôi xin hỏi một vấn đề như sau: theo Quyết định số 900/2017 của Thủ tướng Chính phủ công nhận các xã có kinh tế đặc biệt khó khăn (gọi là xã nghèo) thì theo quy định của Chính phủ thì giáo viên công tác ở xã nghèo được hưởng phụ cấp thu hút (dù trường học không đóng trên địa bàn thôn nghèo). Trong năm 2016 chúng tôi vẫn được hưởng chế độ bình thường nhưng năm 2017 này Phòng GD&ĐT yêu cầu chúng tôi phải trả lại tiền phụ cấp thu hút vì thôn chúng tôi giảng dạy không được công nhận là thôn nghèo theo Quyết định 582 của Bộ trưởng chủ nhiệm ủy ban dân tộc của Chính Phủ. Vậy việc làm của Phòng GD có đúng hay không? Xin Công ty cho chúng tôi được biết. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời như sau:

Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tại Điều 2 Nghị định này có quy định cụ thể về đối tượng áp dụng như sau:

"Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (bao gồm cả trường hp điều động, biệt phái, luân chuyển và không phân biệt người địa phương với người nơi khác đến) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã;

2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị đnh số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;

5. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

6. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.".

Theo quy định trên thì các chế độ theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP được áp dụng cho  cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến xã, phường, thị trấn và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định, đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Do đó, đối với trường hợp của bạn, bạn chưa cung cấp thông tin cụ thể về nơi bạn đang làm việc nên chưa có căn để xác định bạn có được hưởng phụ cấp thu hút hay không, do đó bạn cần tra cứu theo danh mục tại Quyết định 900/QĐ-TTg để xác định, nếu nơi bạn đang công tác thuộc cùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì bạn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP, theo đó bạn có thể đề nghị Phòng Giáo dục xem xét để tiếp tục hưởng phụ cấp này.

3. Điều kiện hưởng trợ cấp chuyển vùng?

Xin chào luật sư. Cho tôi hỏi: Tôi công tác tại vùng đặc biệt khó khăn từ tháng 11 năm 2006. Đến tháng 9/2009 tôi chuyển công tác sang xã vùng 2 nhưng trường của tôi lại đóng chân trên làng vùng III. Tháng 03/2011 Nghị định 116 có hiệu lực tôi lại tiếp tục hưởng thu hút. Tháng 8/2017 tôi chuyển về xã vùng II. Theo quy định thì giáo viên có đủ thời gian làm việc thực tế tại vùng III từ 10 năm trở lên thì đc hưởng chế độ chuyển vùng. Vậy cho tôi hỏi: Thời gian gian làm việc của tôi như trên đã đủ 10 năm thực tế làm việc tại vùng III chưa? Hay bị trừ 2 năm của năm 2009, 2010 chỉ còn lại hơn 9 năm thôi? Xin cảm ơn Luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Tại Điều 8 Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về chế độ trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

"1. Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thì được hưởng trợ cấp một lần tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trả lương trước khi chuyển công tác hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) chi trả.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Mỗi năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 1/2 (một phần hai) mức lương tháng hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).".

Như vậy, thời gian được tính để hưởng chế độ trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là thời gian thực tế làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nếu như trong thời gian năm 2009, 2010 bạn không công tác tại vùng được xác định có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ không được tính vào thời gian để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169