Hoài Nam

Phụ cấp lương dùng để tính đóng BHXH quy định thế nào?

Nhờ luật sư tư vấn quy định về phụ cấp tiền lương để dùng làm căn cứ tính đóng BHXH như sau: Bảo hiểm xã hội quy định mức đóng BHXH như sau: tỷ lệ đóng BHXH sẽ không thay đổi nhưng nền tiền lương đóng BHXH từ ngày 01/01/2016 đến hết 2017 tiền lương đóng BHXH sẽ là mức lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong HĐLĐ

Cho em hỏi ví dụ : Bên công ty em có người mức lương thực lãnh là 10.000.000 đồng  trong đó: a. Mức lương CB tham gia BHXH:  4.340.000 ĐỒNG; b.  Phụ cấp trách nhiệm công việc: 3.759.000 đồng; c. Phụ cấp cơm trưa: 730.000 đồng; d. Phụ cấp độc hại: 371.000 đồng; e. Phụ cấp xăng xe đi lại: 300.000 đồng; f. Phụ cấp điện thoại: 200.000 đồng; g. Phụ cấp công tác: 300.000 đồng.

Vậy nhờ luật sư tư vấn giúp em là trong tất cả các khoản phụ cấp và mức tham gia BHXH nêu trên , theo như luật BHXH 01/01/2016 là em phải tham gia BHXH cho người lao động hết 10.000.000 hay sao ạ, và cách thức ghi như thế nào ? Các phụ cấp trên mình có thể đưa vào các khoản nào mà mình không tham gia BHXH không ạ?  Nhờ luật sư trình bày và tư vấn giúp em ạ.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại khoản 1, 2 điều 17 Nghị định 115/2015 /NĐ-CP quy định:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Khoản 1 khoản 2 điều 30 Thông tư 59/2015/NĐ-CP quy định:

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số  47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Như vậy, căn cứ theo quy định này thì các khoản phụ cấp như Phụ cấp trách nhiệm công việc; Phụ cấp độc hại; Phụ cấp công tác được tính vào khoản phụ cấp để tính bảo hiểm xã hội và tiền lương được ghi trong hợp đồng lao động là cơ sở để tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Các khoản phụ cấp điện thoại, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe đi lại không được tính vào các khoản phụ cấp dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo